Bệnh vào từ... miệng
(ANTĐ) - Tỷ lệ người mắc hội chứng chuyển hóa (tăng đường huyết, béo bụng, cholesterol trong máu cao...) ở Việt Nam ngày càng cao, chiếm khoảng 13% dân số. Những bệnh này liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng dư thừa và lối sống tĩnh tại, lười vận động...
Bài 1: Béo phì - Dinh dưỡng dự phòng là quan trọng nhất
Béo phì là do dư thừa dinh dưỡng |
Trong các nguyên nhân gây béo phì, nguyên nhân do ăn uống chiếm tỷ lệ rất lớn. Người ta nhận thấy 60 – 80% trường hợp béo phì là do nguyên nhân dinh duỡng, phần còn lại là do các rối loạn chuyển hoá trong cơ thể do vai trò của các tuyến nội tiết và hệ thống thần kinh.
Khi sử dụng một khẩu phần ăn có giá trị năng lượng cao hơn số năng lượng mà cơ thể cần tiêu hao, thì năng lượng dư thừa sẽ được cơ thể chuyển sang tích trữ dưới dạng mỡ, gây tình trạng béo và béo phì.
Có thể giảm cân nhờ tập thể dục đúng cách, thường xuyên |
Ba chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho cơ thể là protit (chất đạm, có nhiều trong sữa, thịt, cá, trứng, đậu đỗ...), lipit (chất béo, mỡ) và gluxit (chất đường, bột có trong gạo, các loại ngũ cốc, khoai, các loại đường...). Ngoài ra, các thực phẩm cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin, chất xơ là các loại rau, quả.
Quan niệm chỉ ăn nhiều thịt và các chất dầu, mỡ mới bị béo phì là hết sức sai lầm. Khi vào cơ thể, cả 3 chất nêu trên đều có thể chuyển thành mỡ dự trữ. Trong thực tế, việc ăn nhiều cơm hay các loại thực phẩm giàu tinh bột khác và bánh kẹo, đồ ngọt cũng là nguyên nhân gây béo phì.
Khi đã béo phì, việc giảm cân rất khó khăn. Mặt khác, khi đã chỉnh được cân nặng mà ngừng kiêng khem thì sẽ béo trở lại rất nhanh, thậm chí còn béo hơn trước. Chính vì vậy, béo phì là một bệnh rối loạn chuyển hoá mà điều trị dinh dưỡng dự phòng là quan trọng nhất.
Minh Vũ
Kỳ sau: Vì sao đái tháo đường tăng nhanh ở thành thị?