Bệnh sán lá phổi
(ANTĐ) -Mùa hè, một bát canh cua luôn là sự lựa chọn lý tưởng. Hãy cẩn thận, bởi món cua ốc khoái khẩu đó có thể đem bệnh sán lá phổi đến cho bạn.
Sán lá phổi và cơ chế gây bệnh
Sán lá phổi rất dễ nhầm với bệnh lao phổi. ốc, cua là các vật chủ trung gian gây bệnh, hay gặp nhất là cua sống ở suối vùng núi phía bắc.
Sán lá nói chung là một loại sinh vật ký sinh (sống nhờ, sống gửi) có thân dẹt hình lá, đa số là lưỡng giới (trên cơ thể một con sán lá có đủ bộ phận sinh dục đực và cái). Nhiều loại sán lá ký sinh ở các bộ phận trong cơ thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm: sán lá gan, sán lá phổi, sán não…
Sán lá phổi có màu nâu đỏ và giống như hạt cà phê, dài 8-16mm, chiều ngang từ 4-8mm, dày 3-4mm. Vỏ của sán lá phổi có những gai nhỏ, có hai mầm hút. Sán lá phổi đẻ trứng ở những phế quản (phổi), trứng được bài xuất ra ngoài theo đờm và lại tiếp tục chu kỳ ở những sinh vật trung gian như cua, ốc…
Sán lá phổi vào cơ thể người hoặc những động vật có vú khác (chó, mèo, hổ…) theo chu trình sau: Khi ở dưới nước (ký sinh ở cua, ốc) trong trứng sán hình thành ấu trùng lông. ấu trùng lông sau khi ra khỏi trứng sẽ tìm đến những loài ốc để ký sinh và lúc này ấu trùng trở thành ấu trùng đuôi, bơi trong nước tìm tới ký sinh ở cua, tôm. ở cua, tôm, ấu trùng của sán lá phổi ký sinh dưới dạng nang trùng nằm ở cơ ngực.
Nếu nang trùng vào vật chủ cuối cùng là người hoặc các động vật có vú như chó, báo, chó sói… nó sẽ đi vào ruột non, sau đó chui qua ống tiêu hóa tới xoang bụng, ở lại đó khoảng 30 ngày rồi xuyên qua màng phổi từng đôi một và lớn lên thành sán lá trưởng thành.
Khi phổi bị ký sinh bởi sán thì có những nang sán bằng đầu ngón tay. Trong mỗi nang thường có hai sán và một chất dịch mủ màu đỏ. Cũng có trường hợp các nang sán nối tiếp nhau thành chuỗi hoặc tạo thành một hốc nang lớn. Tuy phổi là chỗ nang sán ký sinh thường xuyên nhưng nhiều bộ phận trong cơ thể cũng có sán như ở da (hay nhầm với các u mỡ hay u bã đậu), ở phúc mạc, màng phổi, gan (hay gây áp xe gan), ruột, tinh hoàn, não. Trường hợp sán ký sinh ở não hay gây ra các cơn động kinh.
Không ăn gỏi, tôm, ốc, cua chưa nấu chín
Những biểu hiện đầu tiên của bệnh sán lá phổi là ho có đờm lẫn máu. Sau một thời gian, ho trở thành mạn tính, thường ho nhiều vào sáng sớm, thỉnh thoảng có ho ra máu. Đờm màu đỏ rỉ sắt giống như viêm phổi. Những triệu chứng trên rất giống trong bệnh lao phổi kể cả hình ảnh chụp phổi.
Để chẩn đoán bệnh, ngoài các triệu chứng đã nêu, cần xét nghiệm đờm để tìm trứng sán. Với trẻ em, nếu khó khạc đờm thì có thể tìm trứng sán trong phân. Điều trị, tẩy sán theo chỉ định của chuyên môn, cho bệnh nhân uống thuốc trị sán lá và theo dõi kết quả điều trị. Nếu kèm theo bội nhiễm phải dùng thêm thuốc kháng sinh. Phòng bệnh bằng chế độ vệ sinh ăn uống, không ăn gỏi, ăn tôm cua chưa nấu chín, không ăn tiết canh.
BS. Nguyễn Thiết