Bẫy đa cấp biến tướng "khoác áo" tiền ảo

ANTD.VN - Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng đã nhanh chóng “mọc những xúc tu mới” như kinh doanh tiền ảo. Đáng chú ý là khi người dân thành thị dần nhận ra bản chất thực của hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng thì hoạt động này lại rời địa bàn về vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm những người nhẹ dạ cả tin.

Bẫy đa cấp biến tướng "khoác áo" tiền ảo ảnh 1Vòi bạch tuộc của đa cấp biến tướng, lừa đảo đang vươn rộng ra khắp các tỉnh thành

Sự kết hợp nguy hiểm

Có thể nói người Việt không còn lạ với tiền ảo, bởi những năm vừa qua loại tiền điện tử này đã làm mưa làm gió trên thị trường. Ngoài Bitcoin, hàng loạt đồng tiền điện tử khác như Ilcoin, Onecoin, Octacoin... được du nhập vào Việt Nam. 

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam đồng thời cảnh báo người dân không nên mua - bán, trao đổi, sử dụng loại tiền này bởi khi xảy ra rủi ro thì người sở hữu, mua - bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ. Mặc dù vậy, các công ty kinh doanh tiền ảo vẫn mọc lên như nấm sau mưa, số lượng người tham gia vào hệ thống kinh doanh này cũng tăng vọt bởi những lời “đường mật”  về lãi suất, hoa hồng cao chót vót mà không mất nhiều công sức. Những “cam kết” siêu lợi nhuận có thể làm mờ mắt nhiều người được các đơn vị này đưa ra tại hàng loạt buổi hội thảo trải dài khắp đất nước.  

Đáng lo ngại hơn là khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, thì hoạt động đa cấp và kinh doanh tiền ảo đã “bắt tay” nhau tạo ra một liên minh nguy hiểm hơn. Mô hình kinh doanh tiền ảo biến tướng đa cấp nhanh chóng vươn rộng ra khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong lúc chưa có quy định pháp luật để quản lý, thì hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng kết hợp với tiền ảo vẫn đang ngày đêm mở rộng mạng lưới. Những lời “đường mật” tiếp tục được rót vào tai hàng chục nghìn “nhà đầu tư” chân đất cũng như những người muốn nhanh làm giàu. 

Thu hơn 200 triệu đồng/ngày từ... quảng cáo

Tại hội thảo giới thiệu về cơ hội đầu tư tại A. Club, hàng trăm “nhà đầu tư” không chuyên với nhiều thành phần như sinh viên, bà nội trợ, các cán bộ công chức đã nghỉ hưu... đã tìm đến. Ai cũng có vẻ hào hứng khi nhân viên tư vấn hùng dũng, tự tin giới thiệu về cơ hội hiếm có để làm giàu bằng cách bỏ tiền thật mua tiền ảo. Công ty này khẳng định với những “nhà đầu tư” rằng, sẽ mang lại cơ hội kiếm rất nhiều Bitcoin và chỉ sau 24h là tiền hoa hồng đẩy về ví điện tử. 

Được biết, A. Club được thành lập ở nước ngoài và mới vào Việt Nam, tuy nhiên đã có gần 4.000 thành viên tham gia mạng lưới đầu tư, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và đang tiếp tục mở rộng ở khắp các tỉnh thành. Một lãnh đạo của A. Club cho hay, chỉ cần được một thành viên đang hoạt động giới thiệu là nhà đầu tư mới có thể lựa chọn các gói đầu tư 250 USD, 500 USD và 1.000 USD. Với mỗi gói đầu tư, tiền lãi sẽ tự động đổ về tài khoản của nhà đầu tư, từ 3 USD/ngày đến khoảng 10 USD/ngày trong vòng từ 150 ngày đến 300 ngày. 

Không những vậy, chỉ cần mời thêm người tham gia thì người đến trước sẽ hưởng hoa hồng trực tiếp 20% trên tổng số tiền người mới đầu tư và tiếp tục được hưởng hoa hồng gián tiếp là 10 USD cho mỗi người ở các mạng lưới tiếp theo. Nếu tính cả gốc lẫn lãi và hoa hồng được hưởng từ tuyến dưới, người tham gia có thể thu về tối đa từ 500 USD đến 10.000 USD/ngày (tương đương khoảng 11 triệu đồng đến hơn 220 triệu đồng/ngày) tùy mỗi gói đầu tư. Chẳng phải làm gì cũng có tiền, càng mời gọi được nhiều người tham gia càng có nhiều tiền. Ngoài ra, công ty này còn đưa ra nhiều phần thưởng hấp dẫn như túi xách, đồng hồ hàng hiệu, thậm chí ô tô hạng sang mỗi khi nhà đầu tư đạt mốc doanh thu và số lượng người tuyến dưới, để khuyến khích kêu gọi thêm người tham gia vào hệ thống.

Nguy cơ gây bất ổn xã hội

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp 6 tháng đầu năm 2016 còn khoảng 500.000 người, giảm 57% so với 1.162.000 người của cùng kỳ năm 2015. Điều này phần nào cho thấy nhiều người đã “tỉnh ngộ” trước những lời dụ dỗ ngồi chơi vẫn có tiền, làm giàu không khó. 

Tuy nhiên, các công ty đa cấp biến tướng không chịu bó tay. Địa bàn hoạt động của những công ty này nhanh chóng được thiết lập và mở rộng cả ở những “vùng rừng xanh núi đỏ”, những nơi dân trí thấp để có thể dễ dàng lôi kéo người tham gia. Minh chứng rõ nhất là vụ việc mới xảy ra tại Gia Lai, các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân bằng cách mời tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Để dụ dỗ những người nhẹ dạ, muốn làm giàu nhanh chóng tham gia, các đối tượng lừa đảo đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng, kèm theo đó là các mức hoa hồng tăng theo kiểu đa cấp khi mời được thêm người mới. Khi số lượng người tham gia đã đủ lớn, những kẻ lừa đảo đã “ôm” hơn 22 tỷ đồng của người dân trong vùng và biến mất.

Trước thực tế công ty nước ngoài sử dụng website để giao dịch mua bán tiền ảo theo mô hình đa cấp, cơ quan quản lý cũng đang tỏ ra lúng túng. Đại diện cơ quan quản lý cho biết, theo quy định, kinh doanh đa cấp nhưng không phải là hàng hóa là phạm luật. Tuy nhiên, vấn đề là vẫn chưa xác định rõ Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là hàng hóa hay dịch vụ nên chưa thể quản lý được.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương thừa nhận, việc kiểm tra, xử lý các công ty bán hàng đa cấp rất khó khăn do nhiều công ty có địa chỉ ảo, tổ chức bán hàng lén lút, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, giao dịch tiền ảo, đầu tư vào các dự án có tính chất “bánh vẽ”, lấy tiền của người sau trả cho người trước... Trong khi đó, quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2014, sau hơn 2 năm triển khai đã bộc lộ một số bất cập. Hàng loạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị rút giấy phép hoạt động và bị xử phạt với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng. Tuy nhiên, các mức xử phạt quy chưa đủ sức răn đe. 

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với tình trạng loạn bán hàng đa cấp, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xử lý nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không kịp thời sửa đổi Nghị định về bán hàng đa cấp thì việc quản lý thời gian tới sẽ còn rất khó khăn. Đó là chưa kể, có những doanh nghiệp không đăng ký bán hàng đa cấp, nhưng vẫn xảy ra những dạng thức kinh doanh giống bán hàng đa cấp như Bitcoin để lừa đảo.

Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận. Theo ông Trần Tuấn Anh, hiện có rất nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng bán hàng đa cấp lừa đảo, huy động tài chính, thậm chí các hình thức biến tướng khác… Nếu không kịp thời nghe ý kiến từ dư luận, xã hội, tăng cường biện pháp quản lý thì chắc chắn nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, gây bất ổn xã hội là rất lớn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản, chính sách quản lý và trong thời gian đó, phải siết chặt, hạn chế cấp phép mới bán hàng đa cấp.