Bất thường doanh nghiệp bỏ thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng mở tờ khai xuất cả chục nghìn tấn gạo

ANTD.VN - Nhiều doanh nghiêp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng đơn phương hủy hợp đồng hoặc không thực hiện hợp đồng, trong khi lại mở tờ khai xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo trong tháng 4.

Hủy thầu gạo dự trữ quốc gia để xuất khẩu

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), đến nay đã có hàng loạt doanh nghiệp (DN) trúng thầu cung cấp gạo cho đơn vị này nhưng đơn phương hủy hợp đồng với tổng số lượng gạo lên tới 160.300 tấn. Do vậy, đơn vị này sẽ phải tổ chức đấu giá lại.

Cũng bởi nhiều DN hủy thầu nên đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới ký hợp đồng mua gạo của doanh nghiệp trúng thầu được 7.700 tấn gạo (đạt 4% mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao).

Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết sẽ báo cáo cấp cao hơn là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hủy các hồ sơ thầu không thực hiện. Các DN hủy thầu sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu, theo thương thảo hợp đồng thầu đã ký trước đó. Cụ thể, những DN này sẽ phải nộp lại ngân sách nhà nước số tiền đã đóng bảo lãnh dự thầu trước đó, thường từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong bối cảnh gạo thế giới đang tăng cao thì một số DN trúng thầu gạo dự trữ quốc gia thậm chí chấp nhận bị mất tiền bảo lãnh thầu, tiền phạt để bán cho DN thu mua xuất khẩu.

Nghi vấn này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo xác nhận của Tổng cục Hải quan, qua rà soát trên hệ thống công nghệ thông tin, đơn vị này đã phát hiện nhiều DN bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại mở được tờ khai xuất khẩu  hàng chục nghìn tấn gạo.

Cụ thể, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, từ 0h ngày 12/4 có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương.

Trong đó, có xuất hiện những DN đã trúng thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng  không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng. Nhưng khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các DN này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo.

Đơn cử như Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên DN này lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu gạo với số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, DN cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Nhiều doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại mở tờ khai xuất khẩu gạo

Hai DN khác gồm: Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực, tuy nhiên hai DN này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

“Như vậy các DN này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia” – ông Âu Anh Tuấn nói.

Cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, hiện nay chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.

Do vậy theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo. Thay bằng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng thì có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện. Việc đấu giá dựa trên nguyên tắc DN tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107.

Ngoài ra DN phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và DN phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của DN trong 6 tháng trước, đảm bảo cung ứng ra thị trường khi Chính phủ và các bộ, ngành có yêu cầu.

“Đáp ứng các quy định đó, doanh nghiệp mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch. Như vậy DN sẽ chủ động hơn, khi có hạn ngạch rồi DN sẽ thực hiện ký hợp đồng và thực hiện đăng ký tờ khai xuất khẩu” – ông Tuấn nói.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, thực hiện như vậy sẽ không dẫn đến tình trạng như thời gian vừa qua, những DN nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch của DN đăng ký tờ khai sau.

Thực tế thống kê của Hải quan cho thấy, có DN trong thời gian rất ngắn đã đăng ký hơn 100 tờ khai với số lượng gần 100.000 tấn (như Công ty CP Tập đoàn Intimex đăng ký 102 tờ khai với khối lượng 96.234 tấn), do đó những DN còn lại sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai.

Thực tế này khiến cơ quan chức năng khó quản lý, hỗn loạn trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian ngắn, dẫn đến nhiều DN bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký trước đây nhưng không đăng ký được tờ khai XK gạo.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng kiến nghị Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khi thay đổi chính sách cần thông báo cho cơ quan Hải quan và DN trước một thời gian.