Bảo lãnh thông quan: Doanh nghiệp có thể đưa hàng về trước, làm thủ tục sau

ANTD.VN - Thay vì phải chờ nộp đủ thuế, phí, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan hàng hóa, doanh nghiệp tham gia bảo lãnh thông quan có thể đưa hàng về trước, hoàn thành thủ tục sau.

Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết tại Hội thảo về bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được tổ chức sáng nay, 5/4.

Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, bảo lãnh thông quan là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.

Ông Mai Xuân Thành cho biết, để được thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến hàng hóa như: nộp các khoản thuế, phí, các khoản thu khác. Nếu có sai phạm còn phải chịu trách nhiệm chấp hành các hình thức phạt tiền hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả...

Nhưng do nhu cầu thị trường hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện nhưng mong muốn được thông quan sau đó sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp theo. Bảo lãnh thông quan sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Bảo lãnh thông quan sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành

Ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh, cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia trực tiếp.

Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất; đồng thời, góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Ở góc độ cơ quan hải quan, bảo lãnh thông quan giúp cho cơ quan này nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.

Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thay vào đó, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm.

Theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại Toàn cầu (GATF) tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.

Để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan dự kiến chia thành 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn chính thức (dự kiến từ năm 2024), sẽ triển khai chính thức hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các loại hình khác, như: gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu và một số trường hợp khác.