Bán, nhượng quyền khai thác sân bay, cảng hàng không: An ninh, an toàn phải được coi là hàng đầu

ANTĐ - Đã có một cơn chấn động nhỏ cho thị trường hàng không và một sự quan tâm lớn đối với hành khách thường xuyên đi lại bằng máy bay, khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép xây dựng phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc và chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay cũng như liên doanh để đầu tư mới, thí điểm bán dứt điểm sảnh E, Nhà ga T1 sân bay Nội Bài… 

Bán, nhượng quyền khai thác sân bay, cảng hàng không: An ninh, an toàn phải được coi là hàng đầu ảnh 1Ảnh Internet

Có thể nói đây là xu hướng chung của thế giới, song vấn đề nhiều người quan tâm là việc bán loại hàng hóa lớn, chưa từng có tiền lệ này được thực hiện ra sao? Mặt khác khi nhà ga, cảng hàng không và cả sân bay nữa được giao vào tay tư nhân, thậm chí là tư nhân nước ngoài vấn đề an toàn, an ninh hàng không sẽ được xử lý như thế nào?

Hợp với xu thế chung của thế giới

 Có thể nói, không có ngành kinh tế nào đòi hỏi phải hội nhập nhanh và sâu rộng với thế giới bằng ngành hàng không. Việc nhượng quyền khai thác, bán cổ phần chi phối các công trình hạ tầng hàng không cho tư nhân là xu hướng phổ biến trên thế giới. Xu hướng này đã diễn ra từ cách đây khoảng 20 năm. Đến thời điểm này, nhiều nước có ngành hàng không phát triển đã không còn bỏ toàn bộ tiền ngân sách để đầu tư cho các cảng hàng không (CHK), sân bay. Các hạng mục có thể sinh lợi nhuận hầu hết được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư, tư nhân hóa hoặc nhượng quyền khai thác. Cách làm này giúp giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không. Chỉ nói riêng khu vực châu Á, CHK Cebu (lớn thứ hai Philippines) đã được bán cho một nhà đầu tư Ấn Độ; hay như Tập đoàn Changi Airport (Singapore) đã đầu tư vào hàng loạt CHK lớn ở Trung Quốc…

Với một thị trường non trẻ đang có xu hướng phát triển nhanh, chúng ta không thể chờ đợi mãi vào vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không mà số vốn ước tính lên tới 230.215 tỷ đồng cho giai đoạn 2015-2020 để có thể phục vụ cho trên 150 triệu lượt hành khách, gấp 3 lần so với năm 2014 với 50,5 triệu lượt hành khách, gần bằng tổng lượng khách qua cảng của Singapor.

Theo đề án xã hội hóa đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng không mới được Bộ GTVT phê duyệt hồi cuối năm 2014, trong giai đoạn 2015-2020, dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là 30.724 tỉ đồng (13,3%); nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp 23.968 tỉ đồng (10,1%); nguồn vốn ODA 60.541 tỉ đồng (26,4%), vay thương mại 4.615 tỉ đồng (1,7%). Phần còn lại 110.367 tỉ đồng dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và PPP (48,4%). Với thực trạng như hiện nay nếu không có các chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn tư nhân vào đầu tư hàng không thì đề án xã hội hóa ngành hàng không mới được phê duyệt sẽ khó thành hiện thực.

Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không (CHK), sân bay đều do Nhà nước quản lý thông qua Tổng Công ty ACV. Chủ trương cổ phần hóa Tổng Công ty ACV và xã hội hóa mạnh mẽ ngành hàng không đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư đang tìm cơ hội đầu tư vào các dự án CHK quốc tế Long Thành, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn, Liên Khương… Một điểm quan trọng nữa thu hút các nhà đầu tư là Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển hàng không trong Top 10 thế giới và sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn do việc mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không trong ASEAN từ năm 2015. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có tiền lệ nên giải pháp trước mắt là nên nghiên cứu thí điểm bán một CHK, một sân bay, nếu hiệu quả sẽ triển khai tiếp.

 Những vướng mắc cụ thể hiện nay đã chứng minh điều đó. Do các công trình trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đòi hỏi vốn lớn, một số công trình khả năng thu hồi vốn thấp, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao (như xây dựng đường băng), cho nên các dự án không dễ chọn lựa được các chủ đầu tư phù hợp. 

Một trong những đặc điểm quan trọng của các sân bay Việt Nam là đặc thù vừa phục vụ dân sự, vừa quân sự, chính vì vậy, an ninh, an toàn hàng không là vấn đề rất quan trọng cần được tính đến khi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Thêm nữa, kết cấu hạ tầng hàng không gắn bó không chỉ với đất, tài sản trên đất mà còn giá trị thương quyền, thương hiệu và thị trường, vì vậy việc định giá, xác định quyền khai thác, trách nhiệm chủ đầu tư cũng như phương thức đấu thầu, chọn chủ đầu tư không đơn giản với một nền kinh tế chuyển đổi, một nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ. Chúng ta sẽ làm thế nào? 

Cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ

Theo chủ trương của Bộ GTVT, năm 2015 cùng với việc khẩn trương hoàn thiện phương án cổ phần hóa (CPH) Tổng Công ty ACV ngay trong tháng 4-2015, Bộ GTVT sẽ bán toàn bộ CHK Phú Quốc. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ thí điểm bán dứt điểm sảnh E - Nhà ga T1 - CHK Nội Bài (Hãng Hàng không Vietjet đã chính thức đề nghị được nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga T1 - CHK Nội Bài trong thời hạn 20 năm). Mục tiêu của xã hội hóa đầu tư vào hàng không là xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Chúng ta không thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy bay hiện đại như A380, Boeing 787-9 mà lại không có các CHK đủ khả năng tiếp nhận. Chúng ta không thể xây dựng được những hãng hàng không tiêu chuẩn 4 sao trong khi cơ sở hạ tầng lại chỉ 2 sao, 3 sao. Nhưng các chủ đầu tư cũng phải tuân thủ đầy đủ những quy định quản lý Nhà nước, quản lý an ninh, quản lý an toàn bay của các cơ quan chức năng Nhà nước. 

Với hàng không, an toàn, an ninh là vấn đề hàng đầu, Nhà nước trực tiếp quản lý. Dù tư nhân khai thác nhà ga, các cơ quan quản lý Nhà nước (cảng vụ hàng không, Tổng Công ty Quản lý bay) vẫn phải nắm quyền điều hành về an ninh, an toàn bay. Các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng nhà ga thực ra chỉ là nhà khai thác cảng như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam hiện nay. 

Đối với những vấn đề kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể dùng các công cụ chính sách để vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa giữ vững an ninh quốc phòng. Khâu định giá thương quyền có thể thuê tư vấn nước ngoài. Điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là có một cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể về hợp tác công tư, nhượng quyền khai thác. Trên thực tiễn, chủ trương xã hội hóa đầu tư sân bay không phải bây giờ mới thực hiện. Đầu tháng 1 vừa qua, sân bay Phan Thiết được Tập đoàn Rạng Đông đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao). Tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với liên danh Tổng Công ty Cảng hàng không Hàn Quốc, Công ty TNHH Joinus VN và Cty TNHH Posco E&C lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BOT sân bay Vân Đồn với diện tích gần 284,6 ha.

Hiện nay, Tổng Công ty ACV đang nghiên cứu các cơ chế và triển khai thực hiện việc chuyển nhượng sân bay; trước hết là sân bay Phú Quốc. Phương án chuyển nhượng sẽ bao gồm nhiều nội dung như xác định giá cả, cách thức đấu thầu, các điều kiện khi thực hiện; trong đó có điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh hàng không sau khi chuyển nhượng. Việc việc chuyển nhượng quyền khai thác nhà ga hàng không có thể căn cứ theo quy định đấu thầu, đấu giá tài sản Nhà nước hoặc theo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định về đầu tư PPP có quy định về hình thức đầu tư mới là “Kinh doanh- Quản lý” (O&M). Theo đó, O&M là hợp đồng được ký giữa cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định. Như nhà nước đầu tư làm một con đường, sau đó có thể giao cho một đơn vị quản lý, vận hành và khai thác một thời gian và phải trả tiền cho Nhà nước. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhiều hình thức đối tác công - tư khác. “Nhưng dù hình thức nào thì việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đều phải đấu thầu rộng rãi, kể cả dự án đó do nhà đầu tư tự đề xuất cũng đấu thầu. 

Có thể, những vấn đề cụ thể sẽ giải quyết trước trong các thương vụ thí điểm để dần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ cho xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.