Bán lẻ tùy tiện, hoa quả Việt mất giá

ANTĐ - Việt Nam nổi tiếng với các loại hoa quả nhiệt đới, được người dân nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Nhưng tại thị trường nội địa, hoa quả Việt Nam lại phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand hay Thái Lan… Nghịch lý này có một phần nguyên nhân từ cách phân phối, bán lẻ tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp.
Bán lẻ tùy tiện, hoa quả Việt mất giá ảnh 1

                            Hoa quả đổ đống khó bán được giá (Ảnh: THUẦN THƯ)

Giả mạo thương hiệu

Gần đây, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội xuất hiện các xe tải nhỏ căng biển bán “Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên” với số lượng lớn. Giá bán phổ biến ở mức 30.000- 35.000 đồng/kg. Mức giá trên được đánh giá là rẻ, tuy nhiên, theo bà Đoàn Thị Chải - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, trà nhãn lồng Hưng Yên sớm hiện cho thu hoạch rất ít, mỗi cây chỉ khoảng 10 – 20kg. Thu hoạch đại trà số lượng nhiều phải đến cuối tháng 8 tới. “Nhãn bán ở Hà Nội không phải nhãn lồng Hưng Yên”- đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên khẳng định. Nói cách khác, phần lớn thương lái đang bán nhãn giả thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. 

Tình trạng này cũng xảy ra trong vụ vải thiều cách đây hơn 1 tháng. Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5-2015, nhiều tuyến phố của Hà Nội đã rầm rộ bán vải thiều Thanh Hà, đặc sản của tỉnh Hải Dương. Trong khi đó, phía địa phương cho biết, vải chín rộ và cho thu hoạch trong khoảng 1 tuần, từ ngày 10-6. Chuyện tương tự cũng xảy ra với “dưa hấu Sài Gòn” và nhiều loại nông sản đặc sản từ các vùng miền khác của Việt Nam. Chưa kể, nhiều loại hàng hóa nói chung và hoa quả nội nói riêng còn bị “nói thách”, đẩy giá lên cao chót vót.

Ông Vũ Đình Bát - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết: “Thương hiệu vải thiều Thanh Hà, vải thiều Bắc Giang và nhãn lồng Hưng Yên thường bị ghép vào các sản phẩm đến từ nơi khác để dễ bán”. Ở đây, sự gian dối của người bán đã khiến người tiêu dùng nội địa mất niềm tin, khó chấp nhận mức giá cao hơn của đặc sản chính hiệu, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vì “khó phân biệt thật giả”. Trong khi đó, thị trường nội địa có nhu cầu rất lớn, chỉ cần khẳng định uy tín tại đây thì các vùng sản xuất nông sản đã giảm được nỗi lo “được mùa mất giá”.

Đổ đống khó có giá cao!

Hiện tại đang là chính vụ thu hoạch quả bơ, nhưng có một nghịch lý là bơ nhập khẩu có giá lên tới 300.000 đồng/kg ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, trong khi bơ sáp trồng tại các tỉnh Tây Nguyên ra đến Hà Nội chỉ 15.000 đồng/kg vẫn chờ khách. Các chuyên gia cho biết, vị bơ nhập khẩu và bơ Việt Nam không khác nhau nhiều. Sau khi loại trừ các yếu tố cấu thành giá như: chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu… thì hoa quả nhập khẩu còn “được giá” hơn do cách bảo quản và bày bán. Tại các cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu trên phố Láng Hạ, Giảng Võ, hoa quả được bày trong cửa hàng hiện đại, được lựa chọn từng quả, làm vệ sinh sạch sẽ, dán nhãn mác và bao gói trong suốt trong khi hoa quả nội lại bị đổ đống trên vỉa hè. Quả già, quả non lẫn lộn và bán “đồng giá”.

Tại một số siêu thị, khi vào mùa, nông sản Việt Nam cũng được đổ đống ào ào. Chẳng hạn, với cam sành, cà chua, xoài keo, dưa hấu… nhân viên siêu thị đều lấy từ kho ra đổ xuống, không phân biệt loại 1, loại 2 hay thao tác nhẹ tay vì hàng dễ dập nát. Thêm vào đó, người mua vừa chọn, vừa nắn bóp, đặt mạnh, làm nẫu, thối. Một chuyên gia thị trường cho rằng: “Làm sao hoa quả nội có giá cao được khi hàng được đổ đống, không phân loại, không bảo quản, chỉ nhìn thôi đã thấy “rẻ tiền”. Chất lượng hàng hóa vừa không ổn định, vừa ít được chuẩn hóa. Kho dự trữ hàng hóa hầu như không có”. 

Theo vị chuyên gia này, chưa cần so sánh với hoa quả nhập khẩu được bày bán trong những cửa hàng “sáng choang, sạch sẽ”, chỉ cần so hoa quả đổ đống với hoa quả bày trên sạp đã thấy khác. “Người bán tại sạp chỉ cần chọn lựa quả đều nhau, không dập nát, thối hỏng, bày biện ngăn nắp hơn thì dù là hàng cùng xuất xứ nhưng giá bán đã chênh lệch nhau đến cả chục nghìn đồng/kg. Muốn bán được sản phẩm với đúng giá trị, cách thức phân phối, chúng ta cần thay đổi theo hướng hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn và không buôn gian bán lận”- vị chuyên gia khuyến cáo. 

Việt Nam đang mở cửa cho nhiều loại hoa quả nhập khẩu. Vì vậy, để cạnh tranh, bên cạnh những yêu cầu không thể thiếu như sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đầu tư cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch, thì việc hiện đại hóa phương pháp, cách thức phân phối sẽ khẳng định được chất lượng, giá trị của hoa quả Việt tại thị trường nội địa.