Bán bánh trung thu handmade không ghi nhãn có thể bị phạt tới 60 triệu đồng

ANTD.VN - Bánh trung thu nhà làm (handmade) được thị trường ưa chuộng trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, các loại bánh này thường không thực hiện ghi nhãn theo đúng quy định.

Bánh trung thu handmade được ưa chuộng, nhưng cần ghi nhãn theo quy định

Nhiều năm nay, bánh trung thu handmade luôn được săn đón mỗi dịp Trung thu. Sức hút của loại bánh này ở chỗ mỗi chiếc bánh có hình thức riêng biệt, phù hợp với người mua cá tính, không giống với bánh được làm theo khuôn đại trà của các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, người mua thường tin tưởng người làm bánh handmade lựa chọn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn so với bánh làm công nghiệp.

Chị Nguyễn Thùy Dương- người làm bánh handmade cho biết: “Bánh nhà làm rất mất thời gian, nguyên liệu đảm bảo. Khách hàng đa số là người quen nên rất tin tưởng nhau về chất lượng. Tôi chưa tìm hiểu xem bánh tự làm có cần tuân thủ quy định về bao gói, nhãn mác hay không”.

Cùng quan điểm này song với vai trò của người mua, chị Lê Thanh Huyền (Đống Đa- Hà Nội) cho hay: “Tôi thường mua bán handmade của người quen. Bánh ngon và đẹp, lâu nay cũng chưa xảy ra vấn đề gì với sức khỏe”.

Tuy nhiên gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục kg bánh trung thu nhập khẩu hoặc nhà làm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực tế này đặt ra yêu cầu, việc công bố chất lượng sản phẩm, bánh trung thu cần được thực hiện chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo quy định  tại Điều 3 Nghị định 38/2012/NĐ-CP, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đã có quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố hợp quy và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nếu chưa có thì phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố trước khi đưa ra thị trường.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, các hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu đều phải ghi nhãn trừ một số nhóm hàng. Việc ghi nhãn hiệu của hàng hóa phải gồm các nội dung theo quy định tại Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, bao gồm: Tên sản phẩm; Thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, xuất xứ; Số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm…

Chiểu theo các quy định này thì bánh trung thu tự làm nếu không có nhãn mác, không được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì không được bán ra thị trường, chỉ có thể cho, biếu, tặng. Sản phẩm nào không thực hiện theo quy định có thể bị phạt tiền.

Cụ thể, theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP, việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được căn cứ trên giá trị hàng hóa vi phạm. Giá trị hàng hóa đến 5 triệu đồng sẽ chịu mức phạt 1 –3 triệu đồng; Mức phạt cao nhất là 50-60 triệu đồng với hàng hóa có giá trị từ trên 100 triệu đồng trở lên.