Ba tuyến cáp quang nối Internet Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố

ANTD.VN - Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, ba tuyến cáp quang biển kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế vừa gặp sự cố. 

Ba tuyến cáp quang nối Internet Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố ảnh 1

Các tuyến cáp bị ảnh hưởng lần này được xác định là Liên Á (IA),  SEA-ME-WE3 (SMW3) và Asia America Gateway (AAG)

Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng xác nhận sự cố trên tuyến cáp AAG và cho biết đang xác minh nguyên nhân, đồng thời định tuyến lưu lượng ứng cứu cho khách hàng.

Theo đại diện của ISP, hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất tín hiệu của cả ba tuyến cáp nói trên cũng như lịch trình sửa chữa, song vị này nhận định nguyên nhân có khả năng do ảnh hưởng của bão.

Thực tế cho thấy, việc các tuyến cáp quang biển gặp sự cố trong thời gian qua khá thường xuyên và các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều có các tuyến dự phòng để bảo đảm việc truy cập Internet ra quốc tế cho khách hàng.

Mới đây, VNPT và Viettel cho biết, trong tháng Bảy, các đơn vị này mở kênh khai thác chính thức trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1). Đây là hệ thống cáp biển kết nối các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu, đi qua 19 quốc gia với tổng dự án khoảng 820 triệu USD. 

Về ba tuyến cáp bị sự cố, theo thông tin từ FPT Telecom, SMW-3 được đưa vào sử dụng tháng 9-1999 và hoàn thành vào cuối năm 2000. Tuyến cáp này sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang có dung lượng hệ thống là 320Gbps nối Việt Nam với 39 nước trên thế giới. Tại Việt Nam tuyến cáp quang này cập bờ tại Đà Nẵng.

Tuyến cáp AAG được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2009 có tổng chiều dài 20.191 km và tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây có tổng vốn đầu tư 560 triệu USD. Tuyến cáp này cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu và nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Còn tuyến cáp quang biển IA được đưa vào vận hành từ tháng 11-2009 với tổng chiều dài là 6.800km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Tuyến cáp quang này có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbit/giây với tổng vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD.