- Bùng nổ hoạt động cho vay ngang hàng: Có tiện nhưng… chưa lợi
- Lãi suất ngân hàng phân hóa rõ rệt ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên
Đây là những thông tin được đưa ra trong Báo cáo thị trường tài chính, tiền tệ tháng 3/2019 vừa được Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố.
Trong đó, Báo cáo cho biết, trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 24.237 tỷ đồng trong đó có 19.337 tỷ đồng qua kênh OMO và 4.900 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Tính chung cả quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 80.689 tỷ đồng thông qua thị trường mở nhưng cũng mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD – đồng nghĩa với khoảng 150 nghìn tỷ đồng được bơm ra.
Bên cạnh đó, số tiền Kho bạc Nhà nước vẫn ứ đọng tại các NHTM khi lượng trái phiếu kho bạc phát hành mới quý I/2019 là 69.469 tỷ đồng mà lượng vốn đầu tư công được giải ngân chỉ khoảng 49.800 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn Kho bạc Nhà nước gửi tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng.
Lãi suất ngân hàng sẽ khó giảm trong thời gian tới
Thanh khoản dồi dào đặc biệt tại các ngân hàng lớn đã khiến cho lãi suất trên liên ngân hàng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chạm mức đáy 5 tháng là 3,18%/năm với kỳ hạn qua đêm vào ngày 20/3 sau đó tăng trở lại khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm sau gần 5 tháng không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0.
Một lần nữa, lãi suất tín phiếu lại được chứng minh là ngưỡng chặn dưới đối với lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng. Lãi suất trên liên ngân hàng hiện duy trì ổn định quanh mức 4,1-4,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,3-4,5%/năm với kỳ hạn tuần, chênh lệch lãi suất USD-VND được duy trì ở mức 1.5-1.7%/năm.
Trên thị trường 1, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng khoảng 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ han trên 6 tháng tại một số ngân hàng, duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Theo Báo cáo này, lãi suất neo cao ở mặt bằng đã được tạo lập từ cuối tháng 12/2018 đến nay, ngoài lý do gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn còn bởi vì nhiều ngân hàng thương mại chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết nên có cơ sở để duy trì lãi suất huy động cao. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.
Cũng theo SSI, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính từ đầu năm đến 25/3/2019, tín dụng toàn ngành tăng 2,28%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 3.56% trong quý I/2018. Vì vậy, áp lực tăng trưởng tín dụng (nguồn mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng thương mại) sẽ chuyển sang quý II/2019, kéo theo nhu cầu huy động vốn cao và lãi suất vẫn khó có thể giảm bớt.