Áp lực lên tiền đồng

ANTD.VN - Cuối năm thường là đỉnh điểm nhu cầu vốn tăng cao và cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá USD/VND liên tục tăng trong những ngày qua. Cộng hưởng với kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, giới chuyên gia dự báo, áp lực tỷ giá tăng sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017. 

Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tiền đồng nhưng chênh lệch lãi suất giữa VND và ngoại tệ vẫn khá cao, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ vẫn chuộng vay ngoại tệ nhiều hơn. Rủi ro chi phí trong vay ngoại tệ là biến động tỷ giá. Tuy vậy, về phía ngân hàng, việc đẩy mạnh cho vay ngoại tệ là điều dễ hiểu. Với lãi suất huy động đầu vào đối với USD đang là 0%, trong khi lãi suất cho vay đầu ra từ 3-6%, rõ ràng, biên độ lãi suất cho vay USD đang cao hơn nhiều so với VND, do đó giúp ngân hàng sinh lời cao.

Ngoài ra, khi cho vay ngoại tệ, ngân hàng có thể bán kèm theo các sản phẩm mua bán ngoại tệ kỳ hạn, làm tăng nguồn thu. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang lấy ý kiến để sửa đổi thông tư về cho vay ngoại tệ. Theo đó, dự kiến sẽ tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu thêm một năm, tức là đến hết năm 2017. Đây được xem là động thái nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước. Việc mở lại cơ chế cho vay cũng nhằm lợi ích tạo ra một kênh vốn chi phí thấp hơn hỗ trợ cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại, khi cho phép các doanh nghiệp vay vốn bằng USD có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Trong khi đó, hiện nay các khoản tiền gửi USD đều không  kỳ hạn và lãi suất bằng 0% đã làm giảm mạnh số dư tiền gửi bằng ngoại tệ. Nếu nhu cầu vay ngoại tệ tăng mạnh vào dịp cuối năm có thể dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại tìm cách huy động USD và lãi suất có khả năng sẽ tăng.

Điều này đi ngược với lộ trình chấm dứt tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc cho phép các ngân hàng thương mại huy động USD với mức lãi suất phù hợp, kèm theo một số điều kiện để giảm tình trạng đầu cơ. Điều cần đặc biệt quan tâm là, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đẩy nhanh việc tăng lãi suất USD vào giữa tháng 12 tới. Với kịch bản này cộng với yếu tố mang tính mùa vụ cuối năm có thể sẽ gây áp lực mất giá nhất định lên tiền đồng từ nay đến hết năm 2016.