9/10 vụ mua bán, sát nhập doanh nghiệp nhà đầu tư ngoại thắng thế

ANTĐ - Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo “Diễn đàn M&A Việt Nam” diễn ra hôm nay (25-7).

Từ năm 2009 đến nay, hoạt động mua bán, sát nhập doanh nghiệp (M&A) không ngừng gia tăng. Năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 1 tỷ USD thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ này đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Đặng Xuân Minh, TGĐ Công ty AVM nhận định “cuộc đua M&A đã bắt đầu”, hiện diện ở 5 phương diện, đó là: giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng; giành các vị trí vàng trong lĩnh vực bất động sản; tìm cơ hội trong cổ phần hoá; hình thành các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và cuối cùng là làn sóng khởi nghiệp.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế trong cuộc đua này. Trong top 10 thương vụ lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua. Đáng kể nhất là 3 thương vụ đình đám thuộc về các nhà đầu tư Thái Lan với việc Central Group mua lại Big C Việt Nam; Singha đầu tư vào Masan Consumer, Masan Brewery và TCC hoàn tất mua Metro.

Trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư Singapore hoàn tất việc mua lại 3 ông lớn Keppel Land, Mapletree và Capita Land. Còn các nhà đầu tư Nhật Bản lại đầu tư chiến lược vào 2 doanh nghiệp nhà nước lớn là Vietnam Airlines và Petrolimex.

Ông Đặng Xuân Minh cho rằng, Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nên các thương vụ này, nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh hơn dễ dàng chiếm ưu thế.

Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, doanh nghiệp nội lép vế hơn vì còn có những hạn chế về vốn, kỹ thuật, công nghệ quản trị nên chưa mang lại thêm được những giá trị mới vào trong những cuộc M&A.