Cổ phần hóa 2 “đại gia” ngành bia:

8 năm vẫn chưa chịu "lên sàn"

ANTĐ - Dù đã cổ phần hóa được 8 năm song 2 doanh nghiệp Nhà nước là Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) vẫn chưa tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Quá trình cổ phần hóa 2 doanh nghiệp này đang diễn ra quá chậm. 

Sabeco và Habeco hiện vẫn kinh doanh có lãi

“Của hồi môn” trên 3 tỷ USD

Theo văn bản gửi Bộ Công Thương của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Sabeco và Habeco thực hiện việc cổ phần hóa được hơn 8 năm, nhưng đến nay, 2 doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết để cải thiện quản trị doanh nghiệp, tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán. Văn bản của VAFI cho biết, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng hiện tại tình thế đã đảo ngược. Lợi nhuận của Vinamilk giờ cao gần gấp 3 lần Sabeco.

Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco tăng trưởng chậm mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn. “Bộ Công Thương cần nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. Không nên áp dụng việc mua bán thỏa thuận để tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá”. 

Theo VAFI, số tiền thu được từ việc niêm yết 2 doanh nghiệp này dự tính đạt trên 3 tỷ USD, đủ tiền để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội. “Nếu Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa, thành phố sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm thiểu việc sử dụng xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay” - đại diện VAFI phân tích. 

Dứt khoát phải cổ phần hóa

Nêu quan điểm về việc cổ phần hóa 2 doanh nghiệp này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho hay: “Lãnh đạo Sabeco rất quyết liệt trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhưng quá trình đã kéo dài 8 năm mà chưa hoàn thành. Dù nguyên nhân thế nào, tôi cho rằng dứt khoát phải cổ phần hóa, càng nhanh càng tốt. Khi có phương án cổ phần hóa ổn định thì phải niêm yết”. Theo vị chuyên gia này, sự chậm trễ “lên sàn” của doanh nghiệp có thể do những tính toán về giá trị vốn, tài sản, mệnh giá cổ phần… chưa được suôn sẻ, hợp lý nên doanh nghiệp chưa tiến hành. 

Một giả thuyết khác được đưa ra là do 2 doanh nghiệp này làm ăn có lãi, ít doanh nghiệp Nhà nước nào đang hoạt động kinh doanh hiệu quả như họ. Do vậy, dù Sabeco từng được nhà đầu tư Thái Lan trả giá 2 tỷ USD, nhưng họ không bán vì có thể muốn giá bán cao hơn. Hơn nữa, cũng có không ít nhà đầu tư muốn mua lại 2 doanh nghiệp này, trái ngược hẳn với tình trạng ế ẩm, bán không ai muốn mua của không ít doanh nghiệp Nhà nước khác nên Sabeco có phần “kiêu”.

Đồng quan điểm cho rằng việc cổ phần hóa Sabeco, Habeco là phương án tối ưu và cần thực hiện nhanh, song một chuyên gia kinh tế khác cho rằng: “Nên tìm hiểu lý do thực sự vì sao 2 doanh nghiệp này chậm niêm yết. Nếu vì các nguyên nhân liên quan đến lợi ích khác mà kéo dài quá trình cổ phần hóa thì doanh nghiệp sẽ sớm lâm vào tình trạng hoạt động không hiệu quả”.