59% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc luân phiên và cắt giảm lao động

ANTD.VN - Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4-2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất.

59% doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc luân phiên và cắt giảm lao động ảnh 1

Hàng triệu lao động gặp khó khăn do Covid-19

Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng

Ngày 24-4, Tổng cục Thống kê đã công bố công bố tình hình lao động việc làm quý I-2020.

Theo đó, trong số gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động). 

Đáng chú ý, khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã; trong đó, khoảng 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Tương tự, đa số lao động bị ảnh hưởng của ngành bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tương ứng là 74% và 73%.

Tại các doanh nghiệp và hợp tác xã, đến giữa tháng 4-2020, có gần 59% lao động tạm nghỉ việc; 28% lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và lao động bị mất việc chiếm gần 13%.

Cơ quan thống kê cũng chỉ ra, ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo có tỷ lệ tạm nghỉ việc cao nhất, chiếm gần 70% mỗi ngành.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác với gần 20%.

Theo Tổng cục thống kê, dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Khó khăn buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động; trong đó, “cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất (gần 34% doanh nghiệp thực hiện) và trên 25% doanh nghiệp thực hiện “cắt giảm lao động”. 

Giai đoạn khó khăn của người lao động

Bà Vũ Thị Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp gia tăng, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I-2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. 

Kéo theo đó, tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I-2019 so với quý I-2018. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I- 2020 đạt 6,2 triệu đồng, tăng 353 nghìn đồng so với quý trước và tăng 473 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. 

“Thu nhập của người lao động tăng nhưng tốc độ tăng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước”- bà Vũ Thị Thu Thủy nói.

Nhận định về tình hình lao động, việc làm thời gian tới, ông Phạm Quang Vinh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đến hết quý 2, tình hình dịch bệnh hoặc dư âm của nó sẽ vẫn là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp và người lao động. 

“Do vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần phải chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế”- ông Phạm Quang Vinh nói.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, trong giai đoạn này, doanh nghiệp, có thể nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất, kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động…

Đồng thời, người lao động cũng cần tận dụng thời gian để nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tự trang bị các kỹ năng mềm để đảm bảo khả năng thích nghi và thay đổi không ngừng của thị trường lao động.