10 phiên giảm sàn liên tiếp, nhà đầu tư đang "mắc kẹt" với cổ phiếu Yeah1

ANTD.VN - Tính đến phiên giao dịch hôm nay, 13/10, cổ phiếu YEG (Yeah1) đã có 10 phiên giảm sàn liên tiếp, khiến vốn hóa mất tới hơn 4.100 tỷ đồng so với thời điểm lên sàn.

Khép lại phiên giao dịch ngày 15/3, mã YEG có mức giá 118.800 đồng/cổ phiếu, tiếp tục giảm sàn trong tình trạng trắng bên mua, dư bán giá sàn hơn 900.000 cổ phiếu. Như vậy, với 10 phiên giảm sàn liên tiếp, YEG đã mất tới hơn 52% giá trị so với thời điểm lên sàn, vốn hóa vì vậy cũng “bốc hơi” hơn 4.100 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tuần này, cổ phiếu này đã bị “thổi bay” hơn 35% giá trị.

Còn nhớ, cổ phiếu YEG chính thức lên sàn ngày 26/6/2018 với giá tham chiếu là 250.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá đắt đỏ nhất thị trường này đã khiến các nhà đầu tư nghi ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngập trong sắc đỏ.

Trong khi đó, tỷ suất sinh lời lẫn quy mô tổng tài sản của Yeah1 thua kém rất nhiều so với các “cổ phiếu vua” như Vinamilk, Vingroup hay Thế Giới Di Động, Sabeco... Doanh thu Yeah1 năm 2017 chỉ 852 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 82 tỷ đồng.

Giải thích cho sự nghi ngờ này, trong bản cáo bạch trước khi lên sàn vào ngày 15/6, Yeah1 tổng hợp phương pháp định giá: thứ nhất theo phương pháp P/E là 250.717 đồng/cổ phiếu; phương pháp P/B là 256.153 đồng/cổ phiếu, phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF lên tới gần 300.000 đồng/cổ phiếu...

Đáng nói, chỉ chưa đầy 1 tuần sau, ngày 23/6/2018, YEG lại nộp báo cáo đính chính bản cáo bạch với giá giảm gần 1/3. Điều này đã khiến YEG rơi không phanh từ mức đỉnh đạt được là 350.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn hơn 220.000 đồng/cổ phiếu trong ít phiên.

Tuy nhiên, đây chưa phải “bi kịch”, mà sự cố với YouTube ngày 3/3 vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào mã cổ phiếu này. Ngay sau sự cố, lãnh đạo Yeah 1 đã có nhiều động thái trấn an nhà đầu tư.

Theo đó, lãnh đạo Yeah1 cho biết dù chiếm tới 67% tổng doanh thu của Yeah1 Network, nhưng doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba chỉ đem lại lợi nhuận sau thuế 1 triệu USD, tương đương 25% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network và 13% lợi nhuận sau thuế của Yeah1.

Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), ước tính trong trường hợp xấu nhất Yeah1 không thể đạt được thỏa thuận với YouTube trước cuối tháng 3 này thì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm nay sẽ giảm 83,3%.

Trong một động thái bảo toàn lợi ích doanh nghiệp, ngày 9/3/2019 Yeah1 quyết định bán công ty con ScaleLab vốn được mua với giá 20 triệu USD hồi đầu năm và đã trả 12 triệu đô la Mỹ.

Tiếp theo, ngày 12/3, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, thông báo đã mua xong 100.000 cổ phiếu YEG - một theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tống sở hữu 11,4 triệu cổ phiếu YEG.

Từ ngày 14/3 đến 12/4, thành viên HĐQT Hồ Đức Trung cũng đăng ký mua 200.000 cổ phiếu. Trước đó, Yeah1 cũng thông qua phương án mua lại 600.000 cổ phiếu theo nguyên tắc giá thị trường.

Tuy nhiên, những động thái này vẫn không đủ đỡ giá cổ phiếu YEG. Đến thời điểm này, những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu Yeah1 đang “ngồi trên lửa” vì giữ thì thua lỗ, nhưng cắt lỗ cũng không dễ. Những phiên giảm sàn vừa qua, khối lượng khớp lệnh thấp, dư bán giá sàn lên tới hàng triệu cổ phiếu mà không có ai mua.