Kinh doanh xăng sinh học vẫn gặp khó

ANTĐ - Mặc dù, từ 1-12-2015, xăng sinh học E5 đã được triển khai trên toàn quốc, nhưng thực tế việc kinh doanh loại xăng này vẫn gặp khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Kinh doanh xăng sinh học vẫn gặp khó ảnh 1Người tiêu dùng còn e ngại khi sử dụng xăng E5. Ảnh minh họa
 

- PV: Mặc dù việc triển khai bán xăng E5 đạt được kết quả tích cực, vượt cả Thái Lan, nhưng tại một số địa phương, kinh doanh xăng E5 vẫn gặp khó khăn, thưa Thứ trưởng?
Kinh doanh xăng sinh học vẫn gặp khó ảnh 2

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Sau thời gian triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, số cửa hàng bán xăng E5 đã tăng lên. Các địa phương đi đầu trong việc triển khai phân phối xăng E5 là Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Quảng Nam là địa phương không thuộc các tỉnh mục tiêu của Quyết định 53/2012/QĐ-TTg nhưng cũng đã tích cực triển khai thực hiện và thu được kết quả tốt.

Thành công bước đầu ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam là do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu, cùng với yếu tố thuận lợi là các địa phương này gần nguồn cung xăng E5. Tại các địa phương khác, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, kết quả thu được còn hạn chế. Tuy nhiên, các địa phương đều đã có kế hoạch triển khai nhân rộng trong thời gian tới.


- Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình thực hiện lộ trình bán xăng E5 trên toàn quốc?

- Cũng như các loại nhiên liệu khác, nhiên liệu sinh học khi đi vào cuộc sống cũng phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Tại từng thời điểm, đối với từng dự án cụ thể, hiệu quả kinh doanh xăng sinh học chưa được như kỳ vọng do phải vượt qua các thách thức trở ngại của quá trình phát triển. Chính vì vậy cần phải có chính sách phù hợp và thống nhất để đạt được mục tiêu tổng quát.

- Để việc sử dụng xăng E5 được nhân rộng, Bộ Công Thương có giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

- Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các giải pháp: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất ethanol; cơ chế về giá cho E100; giá, thuế các loại đối với E5; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học ở phạm vi quốc gia; các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành cơ chế bắt buộc sử dụng xăng E5, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Petrolimex và các đơn vị liên quan chủ động tạo nguồn E100, nghiên cứu cơ chế tạo nguồn E100 ổn định, gửi Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.