Kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84 sửa đổi: Dễ lặp lại kịch bản cũ

ANTĐ - Tại nhiều cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, khi được hỏi các vấn đề liên quan tới xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước đều cho hay, những nội dung đó sẽ được đề cập theo Nghị định 84 sửa đổi. 

Minh bạch giá xăng dầu là yêu cầu bức thiết (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo lần 4 Nghị định 84 sửa đổi, doanh nghiệp đầu mối tự điều chỉnh nếu giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6%, sau khi áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá… doanh nghiệp đầu mối được tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm giá và số lần giảm giá.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp được chủ động điều chỉnh tăng giá bán khi giá cơ sở biến động trong phạm vi 5%. Nếu giá cơ sở tăng từ trên 5-8%, doanh nghiệp được quyền tăng giá 5%, cộng thêm 40% của phần tăng thêm, 60% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Khi giá cơ sở tăng trên 8% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp báo cáo Liên bộ Tài chính- Công Thương để có biện pháp xử lý... Cũng theo dự thảo này, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá tối thiểu là 10 ngày.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán trong phạm vi nhất định và rút ngắn khoảng cách giữa các lần điều chỉnh giá so với trước đây là từng bước trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, đưa giá xăng dầu theo thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dự thảo chưa giải quyết được tận gốc vấn đề phát sinh trong thực tế. Ví dụ như mức điều chỉnh doanh nghiệp được tự quyết. Năm 2009, doanh nghiệp từng được phép tự định giá xăng dầu với biến động trên 7-12%. Khi đó, doanh nghiệp đã tăng giá xăng dầu trên 10 lần/năm, người tiêu dùng chóng mặt. Dự thảo mới chỉ đưa ra phạm vi điều chỉnh thấp hơn nhưng nếu không quản lý tốt, “kịch bản cũ” sẽ tái diễn và người dân luôn thiệt thòi. 

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế khác lại khẳng định cần minh bạch giá cơ sở để làm cơ sở cho việc tăng giá xăng dầu. Nếu giá cơ sở vẫn được giữ nguyên như Nghị định 84 hiện hành thì dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí, khó minh bạch về giá với người dân. 

Theo chuyên gia của Bộ KH-ĐT, Nghị định 84 có sửa đổi hay không thì doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi. “Nhìn vào dự thảo, phương án chỉnh sửa giá đang chứng minh một điều, cơ quan quản lý bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Những bất cập về chi phí hoa hồng, định mức kinh doanh, quỹ bình ổn cũng đề cập nhưng không nhiều trong bản dự thảo”- chuyên gia này nói.