Kinh doanh trên thương mại điện tử: Ngày càng nhiều hình thức vi phạm mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không chỉ bán hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) còn có: thiết lập website bán hàng nhưng không thông báo với Bộ Công Thương, tự gắn biểu tượng website đã được phép bán hàng…
Hàng hóa vi phạm bán trên nền tảng TMĐT

Hàng hóa vi phạm bán trên nền tảng TMĐT

Bà Phạm Thị Minh Phương- Tổ trưởng Tổ Thương mại điện tử (Tổng cục QLTT) cho biết, các hành vi vi phạm mà tổ đã phát hiện, xử lý trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chủ yếu là nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng;

Cung cấp thông tin kinh doanh hàng giả trên môi trường Internet; Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Nếu như trước đây, vấn đề đáng lo ngại nhất với kinh doanh trên TMĐT là hàng giả, hàng kém chất lượng thì hiện nay, các vi phạm nêu trên cũng gây nhức nhối, bởi lẽ người tiêu dùng khi mua hàng trên các website bán hàng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận sẽ dễ gặp rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tổng cục QLTT cho biết, sau khi tổ TMĐT được thành lập và đi vào hoạt động hơn 2 tháng, Tổ này đã kiểm tra, xử lý 09 vụ vi phạm trên các nền tảng TMĐT với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 02 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 615 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 200 triệu đồng.

Tại các địa phương, lực lượng chức năng liên tiếp khám phá, xử lý các vụ vi phạm liên quan đến hàng giả mạo nhãn hiệu trên TMĐT, bao gồm: quần áo, túi xách, giày dép, vàng bạc…

Điển hình là vụ việc ngày 2-4-2024, Tổ chuyên trách về TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT thực hiện kiểm tra đối với Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Kim Hương Dinh, địa chỉ: số 39 Nguyễn Huệ, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, phát hiện nhiều sản phẩm kim loại màu vàng bao gồm nhẫn, bông tai, mặt dây chuyền, vòng tay, lắc tay là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, và hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu Chanel, Cartier, Bvlgari...

Cuối tháng 5-2024, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam có địa chỉ tại Lô O1-2, O1-3, O1-5, O1-6, O1-7 Khu công nghiệp Quang Châu, phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Qua quá trình kiểm tra, phát hiện công ty này thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ở vụ việc khác, lực lượng chức năng cũng có công văn đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam, Công ty TNHH P.A Việt Nam đề nghị tạm dừng cung cấp tên miền đối với tên miền https://giftviet.vn.

Người tiêu dùng vẫn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên cả các website TMĐT đã đăng ký và cả website bán hàng “chui”. Đáng chú ý, trong khi các nền tảng TMĐT đã được công nhận đang ngày càng đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng như: cho phép đồng kiểm, hoàn hàng trả tiền… thì người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng tại các nền tảng TMĐT “chui”, các nền tảng mạng xã hội lại dễ bị xâm hại quyền lợi nhưng khó khiếu nại.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 20-6-2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đó, ngày 16-5-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT.

Cụ thể, các văn bản này xác định các nhóm chủ thể chịu trách nhiệm là: Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số; và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch.