Kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) bị xử phạt, hàng chục vụ buôn bán TPCN giả, nhái được phát hiện, không ít trường hợp còn lợi dụng khám chữa bệnh từ thiện để quảng cáo thổi phồng sự thật và bán TPCN với giá “trên trời”… Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế về vấn đề này.
Kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

7 tháng đầu năm, số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng

- PV: Chưa bao giờ số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN bị phát hiện có sai phạm, xử phạt lại nhiều như thời gian gần đây, cho thấy thị trường TPCN ở nước ta đang rơi vào cảnh vàng thau lẫn lộn. Phải chăng công tác quản lý mặt hàng này đang bị buông lỏng, thưa ông?

- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Bất cứ mặt hàng nào có nhu cầu tiêu dùng cao đều dễ bị những kẻ làm ăn không chân chính lợi dụng để trục lợi bằng cách sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và TPCN cũng không nằm ngoài quy luật này. Chỉ tính riêng Thanh tra Bộ Y tế, Cục ATTP từ đầu năm đến nay đã phát hiện hàng chục vụ làm giả, làm nhái sản phẩm TPCN của một số nhãn hàng nổi tiếng, ra quyết định xử phạt với số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Các lực lượng chức năng khác như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường cũng đã khám phá, xử lý rất nhiều vụ sai phạm tương tự, điển hình như giữa tháng 6 vừa qua CATP Hà Nội đã phát hiện, thu giữ  20 tấn TPCN giả trên đường tuồn về thị trường Thủ đô. Đặc biệt, sai phạm về quảng cáo TPCN vẫn phổ biến khi 7 tháng đầu năm nay, riêng Cục ATTP đã phát hiện, xử lý 156 công ty vi phạm với số tiền hơn 3 tỷ đồng…

Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN có sai phạm bị phát hiện, xử lý nhiều là do công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý  mặt hàng này đã được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn. Ngay từ đầu năm nay, ngành ATTP đã chọn năm 2015 là năm ưu tiên thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm và hiện chúng tôi vẫn đang đẩy mạnh công tác này.

- Hiện nay có một số cá nhân, cơ sở buôn bán và quảng cáo TPCN là hàng xách tay trên các trang mạng, việc mua bán này diễn ra rất dễ dàng và đánh trúng tâm lý nhiều người tiêu dùng “sính hàng ngoại”. Cục ATTP có biết hiện tượng này?

- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong: Theo quy định thì tất cả mặt hàng xách tay nói chung, hàng thực phẩm xách tay nói riêng chỉ được phép mang theo từ nước ngoài về để dùng cho cá nhân, không được cấp phép lưu hành nên nếu đưa ra kinh doanh, mua bán, quảng cáo để bán là vi phạm pháp luật. Việc mua TPCN xách tay cũng rất nguy hiểm, có thể “tiền mất tật mang” bởi người tiêu dùng rất khó kiểm chứng được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Chúng tôi sẽ yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề này và nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Mới đây, chúng tôi đã phát hiện và chỉ đạo ngành y tế các địa phương thanh tra, siết chặt hoạt động của một số đơn vị, tổ chức lợi dụng khám chữa bệnh từ thiện hay hội thảo phổ biến kiến thức dinh dưỡng tại các vùng nông thôn để quảng cáo thổi phồng giá trị thực của TPCN, bán TPCN với giá “trên trời”. Qua đó, đã kịp thời xử lý một số đơn vị sai phạm tại Thanh Hóa, Quảng Nam…

Kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng ảnh 2Phòng CSĐT tội phạm về TTKT&CV CATP Hà Nội thu giữ gần 20 tấn thực phẩm chức năng giả ngày 5-6-2015

Không tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng

- Do những sai phạm về quảng cáo TPCN diễn ra phổ biến khiến nhiều người bệnh lầm tưởng TPCN là thuốc, có thể chữa được bách bệnh. Ngược lại, không ít người dân ở thành phố tuyên bố tẩy chay mặt hàng này. Ông có khuyến cáo gì đến người dân?

- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong: TPCN chỉ là những sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận của cơ thể con người, có tác dụng tăng sức đề kháng và dự phòng, hỗ trợ điều trị bệnh chứ không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh, càng không có tác dụng chữa bách bệnh như một số quảng cáo thổi phồng sự thật. Tôi xin nhấn mạnh rằng, nếu người dân có điều kiện sử dụng TPCN thì rất tốt chứ không nên tẩy chay, song việc dùng TPCN cũng phải đúng mục đích, không lạm dụng, sử dụng một cách tùy tiện. 

Điều quan trọng nhất đối với người sử dụng cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN là phải “hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”. Vì thế, chúng tôi yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN phải “sản xuất đúng, công bố đúng, quảng cáo đúng, ghi nhãn đúng, kiểm nghiệm đúng TPCN” và sẽ thường xuyên tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp làm không đúng. Bên cạnh đó, Cục ATTP  sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều công ty liên tục tái phạm

Theo thông tin từ Cục ATTP, trong tháng 7 vừa qua, Cục này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 23 công ty vi phạm về ATTP với số tiền gần 500 triệu đồng; thu hồi hiệu lực 2 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và 2 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Điển hình là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiều Việt (quận Gò Vấp, TP. HCM) đã quảng cáo sản phẩm TPCN Superior Fat Burner mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung và quảng cáo sản phẩm TPCN Super Growth Height có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký. Hay Công ty TNHH TM Bảo Bình An (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) kinh doanh nhiều sản phẩm TPCN nhưng liên tục có vi phạm…