Kinh doanh quân trang “nhái”: Tự đẩy mình vào thế “khó”

ANTĐ - Cố tình kinh doanh các sản phẩm quân trang “nhái”, đồng nghĩa với việc người kinh doanh tự “đẩy” mình vào một trong ba hành vi vi phạm pháp luật: hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hoặc hàng cấm.

Kinh doanh sản phẩm quân trang “nhái” là vi phạm pháp luật

“Sờ” đâu, vi phạm đấy

Liên tiếp những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, lực lượng CSKT phối hợp cùng cơ quan QLTT Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt rà soát, kiểm tra, xử lý những cửa hàng kinh doanh vi phạm. Hàng nghìn sản phẩm quần, áo, giày da, thắt lưng…có kiểu dáng, màu sắc giống quân trang của bộ đội và công an đã bị lập biên bản tạm giữ. 

Trung tá Thành Kiên Trung - Đội trưởng Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, lỗi vi phạm nhiều nhất của đại đa số các cửa hành kinh doanh sản phẩm quân trang “nhái” là hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Dù có đăng ký kinh doanh, nhưng các chủ hàng khi bị yêu cầu tường trình về nguồn gốc các sản phẩm “na ná” đồ quân trang, đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc , xuất xứ của sản phẩm.

Đáng chú ý, trong hơn nửa tháng “cao điểm” rà soát các địa điểm kinh doanh sản phẩm quân trang “nhái” trên toàn địa bàn thành phố, lực lượng chức năng phát hiện những sản phẩm này không chỉ được bày bán ở nội đô, mà cả các huyện ngoại thành. Đơn cử như cuộc kiểm tra tại địa bàn thị xã Sơn Tây mới đây, lực lượng liên ngành bắt quả tang cùng lúc 6 địa điểm kinh doanh các sản phẩm quân trang có dấu hiệu là hàng giả, hàng cấm. Gần 1.600 sản phẩm bị thu giữ, với đủ chủng loại từ quần áo, mũ gắn sao, thắt lưng, giày da, sao mũ, quân hàm, mũ kê-pi, cành tùng đến biển hiệu quân nhân, huân chương chiến công, huân chương giải phóng. Tất cả các hộ kinh doanh đều không xuất trình được giấy phép kinh doanh mặt hàng trên, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, tại 2 “phố quân trang” là Nguyễn Thiệp (quận Hoàn Kiếm) và Đại Mỗ (Từ Liêm), lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều quần áo, giày dép, quân hàm, còng số 8, áo giáp đặc chủng.

Kinh doanh quân trang “nhái”: Tự đẩy mình vào thế “khó” ảnh 2
Lực lượng chức năng thu giữ số quân trang “nhái”
tại cửa hàng kinh doanh ở thị xã Sơn Tây ngày 8-6

Xác định trách nhiệm từng địa bàn

Trước hiện tượng bày bán công khai các sản phẩn quân trang “nhái”, Giám đốc CATP đã ký văn băn gửi chỉ huy công an 29 quận, huyện, thị xã và các phòng nghiệp vụ, nhấn mạnh yêu cầu tăng cường rà soát, xử lý nghiêm vi phạm của các chủ cơ sở kinh doanh khi giao dịch các sản phẩm quân trang “nhái”. Đồng chí Giám đốc CATP cũng xác định rõ trách nhiệm của chỉ huy các đơn vị nếu để tái diễn vi phạm nêu trên; đồng thời phải chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở tuyên truyền đến các hộ kinh doanh “nói không” với sản phẩm quân trang “nhái”.

Có thể khẳng định, việc kinh doanh sản phẩm quân trang “nhái” gây ra tác hại rất lớn đối với xã hội, khi bị đối tượng xấu lợi dụng. Giả danh công an, mạo danh lực lượng chức năng thi hành công vụ để cưỡng đoạt, thậm chí cướp tài sản là những vụ án từng xảy ra có liên quan ít nhiều đến sản phẩm quân trang “nhái”. 

Bên cạnh sự vô tình, việc kinh doanh sản phẩm quân trang “nhái” đã và đang “đẩy” người bán vào tình trạng vi phạm pháp luật, nhẹ thì vi phạm hành chính, nặng là vi phạm hình sự. Chỉ huy Đội QLTT số 5 – Chi cục QLTT Hà Nội phân tích, riêng đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh tại dãy ki-ốt chuyên đồ quân trang “nhái” phố Lê Duẩn những ngày đầu tháng 6, đơn vị phát hiện 3 lỗi vi phạm. Phổ biến là hàng không nguồn gốc, xuất xứ. Dạng vi phạm thứ hai là kinh doanh hàng cấm, đối với những sản phẩm như cành tùng, cầu vai, áo chống đạn, khóa số 8. Nếu “thoát” được 2 lỗi vi phạm này, chủ cơ sở vẫn có thể bị xử lý về hành vi kinh doanh hàng giả. “Cùng với nguy cơ bị xử lý hình sự, chủ cơ sở kinh doanh quân trang “nhái” sẽ bị áp mức phạt hành chính đến cả chục triệu đồng”, chỉ huy Đội QLTT số 5 khẳng định.