Kinh doanh Game online: Không nên cấm, nhưng cần… có điều kiện

ANTĐ - Game online, cái trò đang làm đau đầu các cơ quan quản lý, làm dư luận sôi sùng sục mỗi khi xảy ra vụ thảm án mà hành vi gây án giống trong game online và thủ phạm ở các vụ án kinh hoàng đó chính là các game thủ. Người ta lên án, người ta chỉ trích, người ta yêu cầu cấm tiệt Game online. Ấy nhưng đây lại là một phát minh lớn của loài người, là một ngành giải trí siêu lợi nhuận được cả thế giới công nhận,không nên  cấm, hay ngăn chặn triệt để. Muốn có giải pháp thấu đáo cho Game online, thiết nghĩ chúng ta cần phải có cái nhìn thật khách quan cả mặt tiêu cực và tích cực mà chúng mang lại.
Kinh doanh Game online: Không nên cấm, nhưng cần… có điều kiện ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Phát minh vĩ đại, giải trí, siêu lợi nhuận
Tại Việt Nam, Game online được đánh giá là một ngành giải trí điện tử phát triển nhanh và bùng nổ nhất. Nếu như năm 2006 số lượng người tham gia chơi Game online mới là 1 triệu người, thì đến năm 2010 đã tăng lên đến 8 – 9 triệu người, Con số người chơi tăng trưởng chóng mặt góp phần làm số lượng người sử dụng internet đã tăng từ 7 triệu người lên 27 triệu người (tăng trên 300%), một mức tăng trưởng kỷ lục khiến nhiều ngành công nghiệp giải trí khác thèm muốn, đưa Việt Nam trở thành nước có số lượng người sử dụng internet thuộc hàng top thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ, phổ biến của Game online trên toàn cầu biến chúng trở thành một trong những ngành giải trí siêu lợi nhuận, doanh thu hàng năm được ước tính hàng trăm tỷ đô la. Ngay tại Việt Nam, mỗi năm với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ việc kinh doanh Game online, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp cho Nhà nước số tiền thuế không phải là nhỏ. Cụ thể, mặc dù từ tháng 7/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép các Game online mới, khiến các doanh nghiệp game gặp không ít khó khăn, nhưng theo báo cáo doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu của FPT Online đã là 245 tỷ đồng, Vina Game doanh thu vào khoảng hơn 800 tỷ đồng, các công ty kinh doanh game vừa và nhỏ khác như Sgame, Netgame Asia, SaigonTel hay Deco doanh thu 6 tháng đầu năm cũng mòm mèm hơn 100 tỷ đồng. Ðại gia VTC mặc dù không có báo cáo chính thức, nhưng với vị thế của mình, doanh thu từ game mang lại nghe đâu cũng cỡ vài trăm tỷ. Con số này sẽ chưa dừng lại ở đây, bởi theo dự báo trong báo cáo Tầm nhìn nội dung số Việt Nam 2004 – 2014 của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), đến năm 2014 doanh thu từ ngành nội dung số tầm 20.000 tỷ đồng. Với việc game luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu này, lợi nhuận lúc đó mà ngành công nghiệp game mang lại chắc chắn sẽ vô cùng lớn và tiền thuế thu được từ ngành này sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Thời gian gần đây, việc hàng loạt các vụ trọng án dã man xảy ra mà thủ phạm có lý lịch là các game thủ có hạng khiến dư luận cho rằng các vụ án kinh hoàng đó đều bắt nguồn từ các trò chơi Game online bạo lực. Điều này khiến Game online bị chỉ trích, lên án mạnh mẽ. Nhưng cũng cần phải sòng phẳng trong việc đánh giá giữa mặt tiêu cực và tích cực của Game online, không thể phiến diện quy chụp. nếu biết vận dụng đúng lúc, sử dụng thời gian hợp lý, thì Game online sẽ chỉ đơn thuần là một công cụ giải trí, giúp người chơi có thể kết nối, mở rộng các quan hệ bạn bè, xã hội từ chuyện game cho đến… chuyện đời.Và tác hại khôn­ lường Cái gì cũng có hai mặt tốt và xấu. Game online cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính vì là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, nên doanh nghiệp kinh doanh game nói thẳng ra là tìm đủ mọi cách kiếm được từ người chơi càng nhiều tiền càng tốt. Họ tích cực nâng cao, mở rộng các tiện ích của internet để có đường truyền nhanh nhất, hình ảnh tốt nhất, chân thực nhất phục vụ người chơi.  Đặc biệt các nhà thiết kế game còn tạo ra các chương trình chơi chứa đựng nhiều yếu tố bạo lực, như chém giết, cướp của, giết, hiếp… là những hành vi mà ngoài đời không thể thực hiện được do những rào cản pháp luật và đạo đức không cho phép. Đây là thủ đoạn kích thích phần “con” trong con người trỗi dậy. Và họ cũng cố tình lờ đi những cảnh báo, không nghĩ đến những mặt xấu mà các trò game mang lại, hậu quả là xã hội đang phải đón nhận một lứa người mới mang trong mình căn bệnh “nghiện” game, “cuồng” game… mà hành vi, ứng xử nhiều khi khiến chúng ta phải rùng mình ớn lạnh. Phàm thứ gì ở trên đời cứ dính vào “nghiện” là sẽ khổ. Game online cũng không phải là ngoại lệ, không phải tự dưng mà nhiều người, nhiều giới trong xã hội đều coi nó như một thứ ma túy vô hình. Nếu như chỉ coi Game online là thú vui giải trí tranh thủ lúc rảnh rỗi thì thật đáng hoan nghênh, nhưng đã dính vào Game online thì đôi khi lý trí cũng phải chào thua. Bởi làm sao có thể dừng lại khi cuộc thư hùng khốc liệt, gay cấn đang đến hồi dang dở; nhiều cuộc chinh phục, nhiều điều bí ẩn còn đang chờ đợi ở phía trước; ngôi thứ vẫn còn phân tranh, level (đẳng cấp) sắp lên đời… lại đành tặc lưỡi thôi cố “cày” (chơi) thêm một lúc. Hết cuộc chiến này sẽ có cuộc chiến khác, hết cuộc chinh phục này sẽ lại có cuộc chinh phục khác, đẳng cấp từ thấp rồi sẽ lại lên cao… Chúng như một mê hồn trận dẫn dắt người chơi chìm đắm trong không gian ảo. Chơi quên ngày đêm, chơi quên ngày tháng, quên ăn, quên học, quên cắp sách đến trường, quên giảng đường, quên nhà, quên cửa và quên cả chính bản thân mình… cho đến bao giờ sức tàn lực kiệt, tiền hết hoặc không được chủ quán game cho nợ nữa thì mới thôi. Cứ thế là thành nghiện, mà đã nghiện thì tốn tiền, quay quắt vì tiền, rời máy tính là phải đi xoay tiền, bằng mọi cách phải có tiền để chơi tiếp. Người có thu nhập còn đỡ, chứ con trẻ mới đang tuổi ăn, tuổi chơi thì lấy đâu ra. Nhà giàu thì còn được bố mẹ cho, không đủ thì đem đồ đi cầm cố, lấy cắp của gia đình, đến khi hết cửa xoay thì giàu cũng như nghèo chỉ có nước … đi ăn trộm, ăn cướp. Thế nên, chưa có bao giờ như hiện nay tội phạm đang ngày càng trẻ hóa. Và cứ thi thoảng cả xã hội lại giật thót, rùng mình run sợ trước thông tin giết người... mà nguyên do có khi chỉ vì vài chục đồng bạc, vì chút tài sản có giá trị nhằm có tiền phục vụ cho cái thú vui giải trí mang tên: Game online. Thủ đoạn giết người dã man, tàn độc, không ghê tay toát lên một vẻ lạnh lùng khiến các nhà tâm lý học, xã hội học, khiến dư luận bàn tán đi tìm nguyên nhân. Và kết luận: Tại game! Đổ lỗi tất cả sự băng hoại đạo đức, lối sống, hành vi, ứng xử đó cho game thì hơi quá, nhưng thực sự người ta cũng có cái lý của nó. Bởi Game online là một trò chơi kích thích người chơi bằng hình ảnh, âm thanh thông qua màn hình máy tính trình chiếu những nhân vật, sự kiện ảo được mô phỏng. Chính vì tính giải trí cao, nên nhiều người đã tìm đến Game online để thỏa mãn những nhu cầu thấp hèn mà ở ngoài đời thật khó có là bạo lực, là sex… Nhưng chết nỗi chơi những trò này lại chủ yếu là giới trẻ, chưa đủ tuổi vị thành niên. Nghĩa là ở cái tuổi chưa làm chủ được bản thân, hành vi của mình, chưa có đủ khả năng để “miễn nhiễm” trước những hình ảnh ảo độc hại đó. Bởi thế, cũng đừng hỏi tại sao chúng lại giết người giống game thế, trụy lạc giống game thế, bởi một nhẽ những việc như vậy ngày nào chúng chẳng làm trên… máy tính. Không nên cấm, nhưng quản lý thế nào? Xin khẳng định luôn, những ý kiến đề nghị cấm Game online triệt để là tiêu cực, là thất sách. Về khía cạnh kinh tế, nếu chúng ta làm vậy thì nói như dân kinh doanh là đã “nghèo lại còn chê… tiền”. Nên nhớ, một ngành có doanh thu hàng ngàn tỷ mỗi năm như Game online là của hiếm ở nền kinh tế nước ta. Tất nhiên không phải vì tiền mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi, bất chấp những hậu quả xấu gây ra cho xã hội. Vấn đề ở đây là nếu chúng ta bỏ qua nguồn lợi lớn này, thì người chơi vẫn có cách để chơi và tiền thì sẽ chảy ra… nước ngoài. Bài học nhãn tiền đang ở ngay trước mắt chúng ta, vì Game online bị tạm ngừng cấp phép ở Việt Nam từ tháng 7/2010 nên nhiều doanh nghiệp game đã tiến hành “lách luật” bằng cách đặt máy chủ của game ở nước ngoài nhằm qua mặt cơ quan quản lý, bởi Thông tư liên tịch số 60 về quản lý trò chơi trực tuyến hoàn toàn không có quy định hay chế tài để xử phạt trường hợp này. Hệ quả là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta đang đánh mất một khoản tiền rất lớn từ doanh thu được từ kinh doanh các sản phẩm Game online. Số tiền (nghe nói là chiếm đến 2/3 doanh thu) này rơi vào túi của các công ty nước ngoài. Thử nhẩm tính xem doanh thu mỗi năm là hàng nghìn tỷ đồng lại thuộc về các công ty nước ngoài liệu có phí không? Mà thậm chí, nếu trong nước không cho game mới hoạt động thì người chơi vẫn có thể tìm đến được với các game nước ngoài. Việc này không có gì là khó khi vmà nhiều công ty nước ngoài đang tiến hành phát hành game theo khu vực, trong đó có cả Việt Nam. Phân tích như vậy để thấy nếu chúng ta cấm là không khôn ngoan, nhưng nếu cứ để như trước nay thì cũng không được. Vì vậy chúng ta không cấm song cần đặt cho nó vào khuôn khổ pháp lý như là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Đã gọi là có điều kiện thì điều đầu tiên là phải ban hành một hành lang pháp lý “cần và đủ” đặt ra cho các công ty kinh doanh game, tiếp nữa là các cửa hàng game. Đánh thuế phải cao như bia, rượu, thuốc lá. Bởi nó ảnh hưởng đến xã hội thì phải chia sẻ cho xã hội nguồn lợi tương xứng để chi trả cho các hoạt động công tác xã hội làm lành mạnh hóa Game online, giải quyết những hậu quả mà nó đem lại. Các nhà phát hành game cần phải có lương tâm đủ để che mờ lợi nhuận, để những game bạo lực, kích dục không có cơ hội lọt lưới. Phân loại game dành cho người chơi trên và dưới 18 tuổi. Các đơn vị phát hành thẻ  game cũng phải có cơ chế bán hàng đúng đối tượng, đúng lứa tuổi được phép. Đi kèm với nó là chế tài xử phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh đối với cửa hàng game cố tình cho trẻ em dưới 18 tuổi chơi những trò game bị cấm,bị hạn chế lứa tuổi. Bên cạnh đó, định hướng chơi game thế nào là lành mạnh, là đúng cách không thể thiếu được vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, nhà trường, gia đình và các công ty kinh doanh game. Còn các đơn vị quản lý, xin các vị đừng ngồi một chỗ loay hoay nghiên cứu, mà hãy đứng lên xắn tay tìm ra điều kiện “cần” hợp lý để kinh doanh game, phương thức quản lý, và thực hiện chế tài “đủ” sức răn đe chứ không đánh trống bỏ dùi… Đại thi hào Shakespears có nói: “Không có gì là tốt hay xấu, chỉ có người ta nghĩ thế nào thì nó ra thế ấy". Game online tốt hay xấu là câu chuyện đang “nằm trong tay” các nhà quản lý.