Kinh doanh cầm đồ và những hệ lụy: Không thể buông lỏng quản lý

ANTĐ - “Rút kinh nghiệm từ công tác điều tra cho thấy, có tới 80% cơ sở cầm đồ hoạt động “tín dụng đen”, là chỗ dựa để các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động vi phạm pháp luật với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây mất an ninh trật tự” - Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết.

Nhiều xe máy và các loại tài sản khác được các hiệu cầm đồ cầm cố trong tình trạng không rõ nguồn gốc

Cầm đồ lưu động

Thực tế đang diễn ra việc nhiều đối tượng trước đây từng kinh doanh cầm đồ, khi đã có “thương hiệu” liền quay ra hoạt động dưới hình thức lưu động. Không thuê địa điểm, căng biển hiệu, cũng chẳng cần đăng ký kinh doanh mà  chỉ cần thông qua các mối quan hệ sẵn có để cho vay tiền theo cách 10 ăn 8 (cho vay 10 triệu đồng nhưng người vay chỉ được nhận 8 triệu đồng). Với quy định tự thỏa thuận với nhau, người vay tiền sau khi đã thế chấp tài sản, hàng ngày phải trả một số tiền nhất định và sau từ 10-20 ngày, người vay phải thanh toán đủ số tiền cho chủ nợ. Đây là một trong những hình thức cầm đồ tương đối phổ biến hiện nay và thực chất là hoạt động cho vay nặng lãi tinh vi, nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. 

Khảo sát tại một cơ sở cầm đồ nằm ở trung tâm thành phố, chúng tôi được biết 1 chiếc xe Honda SH có giá gần 200 triệu đồng, nhưng khi đưa ra cầm cố chỉ được tính với giá trị xấp xỉ một nửa. Người vay tiền phải trả lãi 3,5 nghìn đồng/ 1 triệu đồng/ 1 ngày. Giải thích cho thắc mắc tại sao lại tính giá trị của xe thấp như vậy, trong khi lãi suất cao ngất trời, gấp hơn 10 lần mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, chủ hiệu cầm đồ nơi đây cười khẩy nêu lý do giá cả tăng vọt, các khoản chi phí nhiều nên mức lãi đó là hợp lý. Thấy người cầm cố tài sản tỏ vẻ còn lăn tăn về mức giá, chủ hiệu cầm đồ cũng thủng thẳng tỏ vẻ bất cần: không thích thì thôi, nhiều chỗ họ còn tính lãi suất từ 4-5 nghìn đồng/ 1 triệu đồng/ 1 ngày, không tin ra đấy mà hỏi…

Theo Thượng tá Lê Huy, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6), Phòng CSHS - CATP Hà Nội, những biến tướng trong hoạt động cầm đồ hiện nay đặt ra vấn đề sẽ giải quyết như thế nào, nếu trong giao dịch cầm cố tài sản nảy sinh yếu tố pháp lý? Bởi lẽ, với kiểu cầm cố không cần kiểm tra rõ nguồn gốc tài sản của chủ hiệu cầm đồ và theo cách đôi bên tự thỏa thuận về giá trị tài sản và mức lãi suất, người có tài sản cầm cố không có cơ sở pháp lý để đòi lại quyền lợi của mình đối với việc bị tính lãi suất quá cao so với quy định. Mặt khác, nếu tài sản được cầm cố là tang vật vụ án, thì đó chính là môi trường thuận lợi để tội phạm lợi dụng tiêu thụ của gian. Đồng tình với quan điểm nêu trên, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào khống chế đối với hoạt động cầm đồ. Do vậy, với mức lãi suất rất cao mà các hiệu cầm đồ tự đặt ra như hiện nay, chỉ sau một thời gian ngắn số tiền lãi của những người đi cầm cố phải trả đã bằng trị giá của tài sản thế chấp.

Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản. Như vậy, nhiều cửa hàng cầm đồ đang hoạt động tiếp tay cho các đối tượng làm “tín dụng đen” và đa phần là những người cho vay nặng lãi thực hiện. Nếu buông lỏng quản lý, ngoài những hệ lụy liên quan trực tiếp đến ANTT, hoạt động cầm đồ còn làm cho Nhà nước thất thu thuế, vì không thể kiểm soát được thu nhập của các hiệu cầm đồ.

Lực lượng công an lập biên bản tạm giữ một số tài sản không rõ nguồn gốc trong hiệu cầm đồ

Siết chặt kinh doanh cầm đồ

Trước tình hình phức tạp của hoạt động kinh doanh cầm đồ, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của CATP điều tra cơ bản các cơ sở cầm đồ trên địa bàn. Qua đó thấy rõ công tác quản lý hành chính Nhà nước về ANTT của các ngành chức năng, chính quyền các cấp còn thiếu sự phối hợp thống nhất, không đồng bộ và còn buông lỏng, mang tính hình thức từ việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm. Từ đó dẫn đến nhiều cơ sở cầm đồ hoạt động không có đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện về ANTT, kinh doanh sai địa điểm, không có kho bãi lưu giữ tài sản cầm cố…

Quá trình thống kê, rà soát các cơ sở kinh doanh cầm đồ ở nhiều nơi còn mang tính đối phó, làm chưa hết trách nhiệm dẫn đến kết quả thống kê không thể hiện được những thông tin cơ bản, cần thiết để phục vụ công tác quản lý cầm đồ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoạt động không giấy phép kinh doanh và không đủ điều kiện về ANTT. Bên cạnh đó, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, giám sát hoạt động này thiếu tính liên kết chặt chẽ, do vậy còn nhiều sơ hở để chủ hiệu cầm đồ kinh doanh bất hợp pháp.

Theo Đại tá Đào Thanh Hải, cầm đồ đa phần là loại hình hộ kinh doanh và được phân cấp đăng ký hộ kinh doanh cho cấp huyện, nên trình tự và thủ tục đăng ký dễ dàng, đơn giản. Khi có sai phạm bị xử lý, chủ hiệu cầm đồ có thể đăng ký mới đứng tên người khác và tiếp tục hoạt động. Đối với hành vi cầm cố tài sản do phạm tội mà có, chủ hiệu cầm đồ chỉ bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 6-9 tháng, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn đối với những đối tượng ham lợi bất chính. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng hiệu cầm đồ gây khó khăn trong công tác quản lý. Đề nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính của các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về ANTT nói chung và kinh doanh cầm đồ nói riêng cho phù hợp với tình hiện nay. Mặt khác, siết chặt quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ từ khâu cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cho đến những biện pháp cần thiết khác, góp phần làm tốt công tác phòng chống tội phạm.