Kiều hối gia tăng bất chấp kinh tế khó khăn

ANTĐ - Mặc dù kinh tế các nước gặp không ít khó khăn nhưng theo dự báo của các chuyên gia, lượng kiều hối năm nay vẫn có thể đạt 10-11 tỷ USD. Con số này được đánh giá là khả quan vì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối đã đạt hơn 6,3 tỷ USD.

Lượng kiều hối được chuyển về đã dịch chuyển sang nhiều lĩnh vực đầu tư

Kiều hối chảy về từ 200 quốc gia

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, 6 tháng đầu năm kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt hơn 6,3 tỷ USD, bằng 70% so với cả năm 2011. Trước đây, chủ yếu tiền gửi về để thăm hỏi người thân, nhưng hiện nay ngày càng nhiều người gửi tiền về nước để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển và hỗ trợ nhân đạo. Hiện nay cả nước có trên 2.000 dự án do kiều bào đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 6 tỷ USD, trải rộng ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp, bất động sản, du lịch...

Trước đây lượng kiều hối được chuyển về nước chủ yếu tập trung vào tiêu dùng, thì nay với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã góp phần gia tăng lượng kiều hối chuyển về nước để đầu tư. Lượng kiều hối được chuyển về đã dịch chuyển sang nhiều lĩnh vực đầu tư như bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… Nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã chỉ ra rằng, khoảng 50% lượng kiều hối đã đổ vào thị trường bất động sản trong năm 2011.

Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á nhận định: “Kiều hối trong 6 tháng đầu năm của cả nước đạt trên 6 tỷ USD, nếu so với tổng lượng kiều hối năm ngoái 9 tỷ USD, tổng doanh số kiều hối cả nước vẫn được duy trì ổn định và có thể tăng chút ít. Bất động sản là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng số kiều hối năm 2011. Vì vậy có thể thấy sự biến động của thị trường đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của kiều hối. Các thị trường kiều hối tiềm năng của Việt Nam vẫn là Mỹ, Canada, Australia... Riêng tại Đông Á, doanh số kiều hối vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm hơn 60% tổng lượng kiều hối. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lao động cũng đóng góp lượng doanh số đáng kể trong tổng doanh số của Đông Á”.

Đại diện Công ty Western Union - chuyên cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho biết, một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về Việt Nam là của đối tượng đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người chuyển tiền về Việt Nam qua kênh chính thức.

Môi trường đầu tư tốt sẽ hút kiều hối

Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho rằng: “Để hút kiều hối, một trong những giải pháp quan trọng là phải phục hồi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Thời gian qua, tảng băng thị trường bất động sản đã tan ít nhiều nhờ sự hỗ trợ từ gói kích cầu 29.000 tỷ đồng và việc giảm nhẹ lãi suất ngân hàng. Nếu phục hồi được hoạt động bất động sản và sàn giao dịch chứng khoán, không những tăng lượng kiều hối mà còn thu hút cả những nguồn vốn nước ngoài khác”. 

Những năm trước khách hàng thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Tuy nhiên, với sự ổn định của tỷ giá trong 8 tháng đầu năm 2012, khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tại ngân hàng. “Hiện, các ngân hàng đang cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do. Đồng thời, các chương trình khuyến khích người nhận kiều hối gửi lại cũng đang được nhiều ngân hàng triển khai”, ông Nam cho biết thêm.

Để đón dòng kiều hối, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ, tăng cường chất lượng, rút ngắn thời gian… Ông Ngô Xuân Hải - Tổng Giám đốc Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank cho biết: “Công ty rất chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ có thế mạnh, tạo sự khác biệt, mang dấu ấn thương hiệu VietinBank. Vừa qua, công ty đã triển khai thành công dịch vụ nhận tiền kiều hối qua Intenet và qua điện thoại đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhờ tích cực đẩy mạnh các mặt hoạt động, thu hút khách hàng, do đó doanh số chuyển tiền kiều hối của VietinBank tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 8-2012, công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm”.