Kiều hối chảy vào... chợ nhiều hơn bất động sản

ANTĐ - Có tới 35,4% lượng kiều hối được sử dụng vào mục đích chi tiêu hàng ngày. Trong lượng kiều hối được sử dụng vào mục đích đầu tư, lựa chọn chính vẫn là ngân hàng và chỉ có khoảng 16-17% chảy vào bất động sản. 

Kiều hối chảy vào... chợ nhiều hơn bất động sản ảnh 1Lượng kiều hối chuyển về nhiều hơn khi kinh tế trong nước ổn định và phát triển

34,5% dùng để chi tiêu

Những con số trên được đưa ra trong Nghiên cứu toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện và phối hợp với Công ty dịch vụ thanh toán Western Union công bố chiều qua (17-12). 

Theo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới với tổng giá trị kiều hối là 11 tỷ USD vào năm 2013, chiếm 8% GDP cả nước. 

Kết quả nghiên cứu của CIEM vừa thực hiện cho thấy, giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6%, với tổng giá trị 80,3 tỷ USD. Hoa Kỳ là quốc gia chuyển tiền về Việt Nam nhiều nhất, trong giai đoạn 2010 - 2012 chiếm tới 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước, tiếp đó là Úc 9%, Canada: 8,4%, Đức 6%, Campuchia 4% và Pháp 4%.

Kết quả khảo sát của CIEM cũng chỉ ra nhiều con số khá bất ngờ. Cụ thể, có tới 34,5% người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu hàng ngày, tiếp đó là đầu tư vào sản xuất và kinh doanh (15,9%), tiết kiệm (11,7%), chữa bệnh (10,1%), mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng, sửa chữa nhà cửa (8,1%), giáo dục (7,5%), trả nợ (7,1%)... Tại TP. HCM, tỷ lệ người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu lên tới 44-45% tổng lượng kiều hối trong 3-5 năm 

gần đây.

Về lĩnh vực đầu tư, tỷ trọng người nhận kiều hối để gửi ngân hàng nhận tiền lãi chiếm hơn 30% tổng số người được khảo sát. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ chiếm 27-30%, đầu tư và kinh doanh vàng 20% và thị trường bất động sản 16-17%. Kết quả này có sự khác biệt với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho rằng, xét về giá trị, kiều hối được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bất động sản trong 2-3 năm trở lại đây.

Vẫn có 25% qua kênh không chính thức

Theo chia sẻ của TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng CIEM, hiện vẫn có khoảng 25% lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam thông qua các kênh phi chính thức như qua người thân hoặc các cá nhân làm dịch vụ chuyển tiền không chính thức, bởi chi phí qua các kênh này thấp hơn cũng như thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, bà Patricia Z. Riingen - Phó Chủ tịch cấp cao khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương của Western Union cho rằng, việc chuyển tiền qua các kênh phi chính thức có chi phí thấp hơn nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao hơn. Khoản tiền có thể được chuyển về không đầy đủ, thậm chí người chuyển tiền có thể mất trắng số tiền vất vả kiếm được ở nước ngoài nếu gặp những tổ chức tín dụng “đen”. 

Đánh giá về vai trò của kiều hối, TS. Võ Trí Thành cho rằng: “Đối với Việt Nam, kiều hối là nguồn vốn nước ngoài vào quốc gia lớn thứ hai sau FDI và lớn hơn so với vốn ODA được giải ngân. Dự báo, năm 2014, lượng kiều hối có thể đạt 11-12 tỷ USD. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là gần như không có biến số kinh tế nào tính trung bình trong 25 năm qua có tốc độ tăng nhanh như kiều hối - đạt gần 39%”. 

TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, kiều hối là nguồn bù đắp quan trọng với thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam. Bên cạnh đó, kiều hối đã giúp Việt Nam tích trữ ngoại hối, nhất là trong 2-3 năm vừa qua. Ngoài ra, kiều hối còn là nguồn vốn quan trọng trong việc tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng cao tính bền vững của nợ nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kiều hối có tốc độ tăng ngoạn mục do số lượng người Việt Nam lao động ở nước ngoài tăng lên và các chính sách trong nước cũng ngày càng cởi mở. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tài chính, dịch vụ cũng triển khai nhiều hình thức, dịch vụ đa dạng, tạo thuận lợi cho việc gửi tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Các quy định về thuế thu nhập khi nhận kiều hối được bãi bỏ, người nhận tiền được rút bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam theo ý muốn, số lượng tiền gửi về không giới hạn...