Kiệt sức vì lũ

(ANTĐ) - Tình hình mưa lũ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tại Hà Tĩnh và Quảng Bình trong ngày hôm qua 18-10 lượng mưa đã giảm, song nước lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố vẫn trên mức BĐ III và rút rất chậm. Còn tại tỉnh Nghệ An, trong 2 ngày vừa qua, mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu ngớt. Đến hôm nay, mưa lũ đã làm 30 người chết, 21 người mất tích.

Kiệt sức vì lũ

(ANTĐ) - Tình hình mưa lũ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tại Hà Tĩnh và Quảng Bình trong ngày hôm qua 18-10 lượng mưa đã giảm, song nước lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố vẫn trên mức BĐ III và rút rất chậm. Còn tại tỉnh Nghệ An, trong 2 ngày vừa qua, mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu ngớt. Đến hôm nay, mưa lũ đã làm 30 người chết, 21 người mất tích.

Người dân chờ đợi được cứu trợ
Người dân chờ đợi được cứu trợ

Nghệ An, Hà Tĩnh: Nhiều nơi bị cô lập

Nhận định về đợt mưa này, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, một số huyện ở vùng đầu nguồn như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh; Tuyên Hóa, Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình đã có mưa đặc biệt lớn, lượng mưa đo được xấp xỉ 1.000mm. “Đợt lũ này trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ An, Hà  Tĩnh và Quảng Bình diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn đợt lũ năm 2007 vì là lũ kép.  Đợt lũ trước chỉ cách đợt lũ sau 6 ngày, chân lũ trên các sông, hồ còn chưa kịp rút thì đã phải hứng chịu 1 đợt mưa dồn dập, chỉ trong 3 ngày lượng mưa đã lên tới 1.000mm. Do đó, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, lũ lụt diễn ra lớn hơn năm 1978” - ông Tăng cho biết.

Theo ông Tăng, mưa lớn sẽ còn diễn ra trong ngày hôm nay và ngày mai, song cường độ sẽ giảm dần, vùng mưa cũng kéo ra phía Bắc, tập trung ở Nghệ An và một phần của tỉnh Thanh Hóa. Lũ trên các sông ở Nghệ An sẽ tiếp tục lên, các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xuống song rất chậm. Sang đến ngày 21-10, do ảnh hưởng của siêu bão Megi gây ra hiện tượng hút gió nên các tỉnh này sẽ có nắng, chấm dứt đợt mưa vừa qua. Tuy nhiên cần đề phòng có thể mưa trở lại vào cuối tuần.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết, đến chiều tối qua, mưa vẫn còn diễn ra, nước lũ chưa có dấu hiệu giảm so với một ngày trước đó. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 178 xã bị ngập, trong đó 105 xã bị cô lập, chia cắt hoàn toàn, lực lượng cứu hộ chỉ có thể tiếp cận bằng xuồng cao tốc và tàu, một số vùng mất liên lạc, điện trên diện rộng. “Đây được xem như trận ngập lụt lịch sử trên địa bàn tỉnh, chỉ trong 12 ngày đầu của tháng 10, người dân Hà Tĩnh đã phải đối mặt với 2 trận lũ vô cùng lớn, liên tiếp” - ông Cự nói.

Cũng theo ông Cự, giao thông trên địa bàn tỉnh rất khó khăn với 5 điểm bị ngập nặng, ách tắc nghiêm trọng, hàng nghìn phương tiện ùn ứ. Mọi việc cứu trợ, di chuyển người dân đều phải được thực hiện bằng xuồng. Hơn 93.000 hộ dân bị ngập, 18.300 hộ phải di dời. Ông Cự cho hay, tỉnh Hà Tĩnh phải nhờ đến sự chi viện lực lượng của Quân khu IV, công an, cảnh sát cơ động. Theo đó, hàng trăm tàu, xuồng cao tốc cứu hộ đã được hỗ trợ cho Hà Tĩnh, 600 cảnh sát cơ động, 700 chiến sỹ thuộc Quân khu IV, hàng nghìn dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên... tổng huy động nhân lực lên tới gần 10.000 người cùng toàn bộ trang thiết bị của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng được huy động tối đa cho việc đưa hàng cứu trợ và đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Đến ngày 18-10, tỉnh đã xuất 45 tỷ đồng, 100 tấn mỳ tôm, đồng thời triển khai đưa gạo cứu đói của Chính phủ đến một số nơi vùng cao. Ông Cự lo lắng: “Qua 2 đợt lũ liên tiếp, hiện hàng chục nghìn hộ dân rơi vào cảnh trắng tay”. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn 5.000 tấn gạo cứu đói, 2.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, 1.000 cơ số thuốc cho các xã đặc biệt khó khăn mà tỉnh không thể đáp ứng được, cùng 30 xuồng máy.

Trong khi đó, vào sáng sớm 18-10, một chiếc xe khách chạy theo hướng Nam - Bắc đến địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bị nước lũ cuốn trôi xuống sông. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết, tỉnh đã huy động lực lượng công binh và các lực lượng khác triển khai cứu hộ, tìm kiếm. Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã cứu được 17 người, chỉ có 1 người bị thương nhẹ. Theo thông tin ban đầu, trên xe khách lúc đó có 37 hành khách, còn lại 20 người vẫn chưa được tìm thấy, kể cả chiếc xe ô tô gặp nạn.

Còn tại Nghệ An, ông Nguyễn Đình Chi,  Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù mưa xuất hiện ở Nghệ An muộn hơn, song đến hôm qua 18-10, lượng mưa nhiều nơi như TP Vinh, Nam Đàn đã xấp xỉ  900mm. Mưa lớn vẫn diễn ra, nước lũ vẫn dồn về. Hiện, toàn tỉnh Nghệ An đã có 21 xã trên địa bàn 5 huyện bị ngập, trong đó 9 xã đã bị chia cắt. “Vụ Đông trên địa bàn Nghệ An bị xóa sổ hoàn toàn, vụ Hè Thu cũng bị ảnh hưởng, do vậy, trong và sau đợt lũ này, nhiều hộ dân sẽ thiếu đói nghiêm trọng” - ông Chi cho biết. Do vậy, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn 5.000 tấn gạo cứu đói cho người dân, ngoài ra hỗ trợ áo phao, xuồng, nhà bạt... để phục vụ việc sơ tán dân.

Phập phồng theo dõi siêu bão

Người dân các tỉnh miền Trung dường như đã kiệt sức vì vật lộn những trận lũ chồng lũ. Siêu bão Megi sau khi đổ bộ lên đảo Luzon (Philippines) vào chiều tối ngày 18-10 đã đi vào biển Đông được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh này. Vào 13h hôm nay 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, cấp 17.

Ông Tăng cho biết, khi đổ bộ vào đảo Luzon, siêu bão Megi  đạt cấp 17, cấp cao nhất trong thang bão. Trong ngày hôm nay 19-10, bão Megi chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây nam, đến giữa biển Đông có thể sẽ có sự thay đổi hướng. Hiện, nhiều Trung tâm Dự báo trên thế giới đều cho rằng, sau khi vào biển Đông, bão Megi sẽ di chuyển lên phía Bắc, đi vào khu vực giữa bán đảo Lôi Châu và Hồng Kông. Theo ông Tăng, căn cứ vào kết quả dự báo của một số đài dự báo khu vực và mô hình quan trắc của Trung tâm DBKTTV Trung ương, khoảng 60-70% bão Megi đi lên phía Bắc, 30-40% khả năng đổ bộ vào nước ta ở cấp 14-16.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đối phó với cơn bão rất mạnh. “Dù chưa xác định được chắc chắn, bão Megi có ảnh hưởng đến nước ta hay không và ảnh hưởng đến khu vực này, song các tỉnh phải lên sẵn phương án, chuẩn bị sẵn nhân lực, vật lực. Dự trữ sẵn sàng lương thực, nước uống, thuốc men và chất đốt ở những vùng có thể bị chia cắt lâu ngày, vì sau bão đổ bộ sẽ là mưa và lũ lụt” - Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.

Về công tác khắc phục hậu quả của đợt lũ này, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, chăn màn. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, tổ chức an táng cho các nạn nhân bị thiệt mạng. “Đặc biệt, ngoài việc quan tâm đến khẩu phần ăn, nước uống, cần quan tâm đến chăn màn, quần áo cho người dân vì đã bước sang mùa lạnh. Do vậy, cần kêu gọi các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm đa dạng hóa hình thức hỗ trợ để đồng bào đủ khả năng vượt qua cơn lũ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hạ Quỳnh