Kiệt sức vì Covid, 150 cơ sở giáo dục tư thục đề xuất được hỗ trợ khẩn cấp

ANTD.VN - 150 cơ sở giáo dục tư thục vừa có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng, các bộ, ban ngành về hỗ trợ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19 trước nguy cơ phá sản.

Theo bản kiến nghị của đại diện 150 trường, các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19. Nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Theo khảo sát nhanh của các đơn vị giáo dục ngoài công lập nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy, hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ nếu bị đóng cửa. Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỷ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động.

Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30,000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc.

Các trường tư thục đầu tư tốn kém cho cơ sở vật chất nên ngày càng chật vật vì vắng bóng học sinh

Khối trường phổ thông tư nhân cũng đang bị áp lực khủng khiếp. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoản 80-200 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây.

Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh). Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và HN thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn.

Đó là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn.

Trước khó khăn này, các cơ sở tư thục mong muốn trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên.

Miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

Các trường đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để có thể được hướng dẫn về các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ.

Đồng thời, cần giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên và được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng để các nhà trường có căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này.

Bên cạnh đó, các trường mong muốn, công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.