Kiếp nô tỳ thời hiện đại

ANTĐ - Lùa đàn dê đến nhà, Moulkheir Mint Yarba bỗng sững người: Con gái chị, chỉ mới biết bò đã bị bỏ ngoài trời cho đến chết. Người mẹ chết lặng khi thấy khuôn mặt vô hồn của đứa con, mắt nó mở to, kiến bâu xung quanh. Đứa con là hậu quả do bị ông chủ hãm hiếp và ông ta không muốn vướng víu đứa con.

Đó là một phần chuyện đời thực của Moulkheir Mint Yarba, 40 tuổi, một người dân ở Mauritania - quốc gia rộng lớn ở rìa phía tây của sa mạc Sahara. Ước tính 10-20% trong tổng số 3,4 triệu người Mauritania hiện sống trong kiếp nô lệ, một “chế độ nô lệ thực sự”, theo đánh giá của báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại đây. Điều khó tin hơn khi Mauritania là quốc gia cuối cùng trên thế giới tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ (năm 1981). 

Selek’ha tại trung tâm đào tạo nghề cho nô lệ sau những biến cố cuộc đời

Chủ đề nhạy cảm

Moulkheir sinh ra đã là nô lệ ở sa mạc phía bắc Mauritania. Ngay từ nhỏ, cô chỉ biết đến chăn gia súc, thậm chí nói chuyện với lạc đà còn nhiều hơn là với con người. Moulkheir chưa bao giờ biết mặt mẹ mình vì mẹ cô đã được ông chủ “tặng” cho người khác. Quanh các vùng sa mạc rộng lớn ở Mauritania này, khung cảnh thường thấy là những người da sẫm màu làm việc quần quật. Sống trong những căn lều tồi tàn, họ cho rằng người da sẫm sinh ra là để phục vụ những ông chủ da sáng màu hơn. 

Khi được hỏi, ông Brahim Ould M’Bareck Ould Med El Moctar, Bộ trưởng phát triển nông nghiệp khẳng định mọi người dân Mauritania đều bình đẳng, việc sở hữu nô lệ không còn tồn tại ở nước này. Nhưng lạ lùng ở chỗ, chủ đề này nhạy cảm tới mức muốn phỏng vấn, các phóng viên CNN phải thực hiện bí mật. Nếu bị phát hiện tiếp xúc với nô lệ đã bỏ trốn như Moulkheir, đoàn làm phim người nước ngoài có thể bị bắt hay bị trục xuất ngay lập tức. 

Con đường đến với tự do của Moulkheir nhờ có 2 ân nhân đặc biệt: Boubacar Messaoud - một nô lệ và Abdel Nasser Ould Ethmane - một ông chủ có xu hướng tiến bộ. 40 năm trước, Abdel khi mới 7 tuổi đã được gia đình cho phép chọn một cậu bé làm người hầu riêng, giống như chọn một món đồ chơi vậy. Lên 12 tuổi, Abdel được gửi đến trường ở Nouakchott, cách nhà khoảng 500km. Tình cờ đọc một cuốn sách về cách mạng tư sản Pháp, Abdel bắt gặp dòng chữ: “Mọi người sinh ra đều có quyền tự do và bình đẳng”. Abdel cứ đọc đi đọc lại, và dòng chữ ấy đã thay đổi cuộc đời ông. 16 tuổi, Abdel về nhà, đòi trả tự do cho các nô lệ. Đáp lại, các nô lệ đó không muốn đi vì không hiểu tự do là gì, còn mẹ Abdel bảo đừng ngớ ngẩn, vì tạo hóa đã sắp đặt như vậy. Trưởng thành hơn, Abdel tập hợp những nhà hoạt động xã hội bằng những cuộc họp bí mật trên những cồn cát lúc nửa đêm. Trong một lần, Abdel đã gặp Boubacar Messaoud. Sau này, họ đã thành lập tổ chức SOS Slaves (Nô lệ kêu cứu), một trong số ít nhóm đấu tranh giải phóng nô lệ tại Mauritania hiện nay.

Người phụ nữ khốn khổ Maoulkheir là người đầu tiên họ chọn. Nhiều người nhận xét chế độ nô lệ hiện đại ở Mauritania rất giống với nước Mỹ hồi đầu thế kỷ 19, nhưng sự khác nhau căn bản là người nô lệ châu Phi hầu như không cần phải quản thúc về thể xác, họ gần như bị tẩy não, ngoan ngoãn phục tùng mà không bao giờ có ý nghĩ phản kháng lại. Maoulkheir cũng vậy, lần đầu tiên được gợi ý giải thoát, chị từ chối vì nếu bỏ đi, sẽ không biết bấu víu vào đâu và sợ ông chủ trả thù.

Nhờ sự thương lượng của SOS, một đêm năm 2007, Moulkheir cùng với 5 đứa con đã được giải thoát. Trên chuyến xe hôm ấy còn có 6 con dê và ít vải, khối tài sản mà Moulkheir chưa bao giờ mơ tới trong đời. Nhưng hai tiếng tự do ấy quá ngắn ngủi, giống như ảo ảnh phía đường chân trời. 

Hy vọng mong manh

Moulkheir và các con được giao cho một cựu tướng lĩnh quân đội. Vị này nói sẽ thuê họ nhưng Moulkheir đau đớn hơn khi ông chủ mới đánh đập và ngủ với con gái chị. Con gái lớn của chị, Selek’ha Mint Hamane, năm 2009 bị cưỡng bức, mang thai đến tháng thứ 9 thì mất con vì bị ông chủ tống lên chiếc xe tải phóng nhanh trên con đường đầy ổ gà. Số phận con gái cũng không khác gì mẹ, Moulkheir uất ức, tuyệt vọng. Chị nhờ người nhắn đến tổ chức SOS Slaves ở Nouakchott ra tay lần nữa. Nhân lúc ông chủ đi vắng, SOS Slaves đã bí mật đưa người đến giải cứu 5 mẹ con chị Moulkheir. 

  Moulkheir cùng con gái đã định khởi kiện hai vị chủ nô khi họ đã làm việc cả đời mà không được trả công nhưng hy vọng vừa lóe lên đã tắt ngấm. Các nhà hoạt động xã hội ở Mauritania đã đưa hàng chục vụ kiện ra xét xử nhưng tháng 1-2011, chỉ có một ông chủ bị kết án 6 tháng tù vì bắt 2 cô gái trẻ làm nô lệ. Trong khi đó, những người chống chế độ nô lệ cũng bị bắt và ngồi tù 6 tháng. Bởi vậy, không có luật sư nào còn dám đứng ra bào chữa cho mẹ con Moulkheir. Giờ sống trong một ngôi lều ở ngoại ô Nouakchott, một tuần cứ 2-3 lần, chị Moulkheir và con gái lại đến trung tâm dạy nghề dành cho nô lệ bỏ trốn. Dự án mới của SOS Slaves này đã quy tụ được hơn 30 học viên, chủ yếu họ được học nghề dệt và may để kiếm sống.

Khi được hỏi, Boubacar and Abdel - 2 con người đang người đấu tranh để giải phóng nô lệ cho biết: Họ chỉ giành chiến thắng khi một người từng là nô lệ trở thành Tổng thống Mauritania.