Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc

ANTĐ - Tồi tàn và bẩn thỉu! Đằng sau khu chợ Long Biên, Hoàn Kiếm, Hà Nội, có một con ngõ như thế… Nơi mà có những phận người leo lắt ngụ cư ở đây từ rất lâu rồi. 

Long Biên – một chợ đầu mối lớn trong lòng thành phố Hà Nội, tấp nập với các hoạt động buôn bán chủ yếu về đêm. Nhưng ít ai biết rằng, lúc chợ đã tan, khi mà mọi thứ chỉ còn lại rác rưởi thì… đó lại chính là một chút cuộc sống yên bình của những người ngụ cư tại đây. 

Kiếp sống không nhà cửa

Một buổi chiều, tôi đến con ngõ nhỏ tồi tàn, lổn nhổn ổ gà, ổ trâu ở chợ Long Biên. Vài người phụ nữ đang gom túi nilon, bìa các-tông. Hai bên đường là những lều bạt lụp xụp của những quầy bán hàng. Giữa đường, mọi thứ rác rưởi của chợ từ đêm trước dồn bỏ lại, ruồi nhặng bu tứ tung, vài ba con chó luẩn quẩn rúc tìm đồ ăn. Nói chung là bẩn thỉu và hôi hám. 

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 1

Rác cũng là "nguồn sống" cho một số người

Đây cũng là nơi trú chân của gần chục con người, từ người còn trẻ đến trung niên, thậm chí có người đã cao tuổi. Ông Nguyễn Văn Bình - tổ trưởng tổ dân phố số 3, khu dân cư số 2, phường Phúc Xá - Ba Đình, cho biết: "Họ là những người từ khắp nơi trôi dạt về đây, không chỗ nương thân, sống bằng nhặt rác, ve chai và tình thương của cộng đồng cho qua ngày”. 

Như hoàn cảnh của hai vợ chồng bà Phạm Thị Bích (quê ở Hưng Yên) mưu sinh ở đây đã gần 20 năm. Họ không có con cái, ruộng vườn ở quê không đủ ăn nên phải rời quê hương từ lâu. Sáng tối, ngày nào họ cũng lặn lội tìm thức ăn trong các thùng rác, thùng cơm bỏ đi của các quán ăn, nhà hàng. Ngày bình thường thì không sao, nắng mưa vào thì đến cơm hẩm cũng chẳng có để ăn…

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 2

Bà Phạm Thị Bích trong "căn nhà" thuê

Tôi tìm đến "nhà" bà Bích. Hôm nay bà không được khỏe nên nằm ở nhà. Mà thực chất, đó chỉ là căn lều ọp ẹp, chắp vá... như cái chuồng gà! Ấy vậy mà bà vẫn phải thuê với giá 600.000 đồng/tháng. 

Có khách, bà khệ nệ cắt miếng dưa hấu ra mời: “Ăn đi cháu, phần này còn ngon mà, nó hỏng tí nên người ta vất đi, phí của không chứ nhể!”. Năm nay bà ngót 60 tuổi, được có 37 kg, còn ông Hùng (chồng bà) thì đã tròn 70 – lại càng là cái dáng gầy còm đến xót lòng. Hai thân già ngày ngày đi mót thức ăn, nhặt rác trên chợ, phố. Bà bảo rằng: “Nhiều nhất thì ngày nhặt được 50 nghìn đồng, không thì 40, 30, 20, 10 nghìn đồng cũng có…, ở đây thì trên cả khổ cháu ạ!”. 

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 3

Căn lều ọp ẹp giữa phố chợ tồi tàn của vợ chồng bà Bích

“Như vợ chồng tôi hãy còn sướng chán, những người khác ở đây còn chẳng có chỗ trú chân nữa kìa”. Việc nhặt rác phải chung “nhịp đập” với hoạt động của chợ, bởi thế mà họ đi nhặt nhạnh từ đêm để tranh thủ trước khi lao công kịp dọn đi hết thảy. 

“Có hôm còn tranh giành với các chị lao công từng cái vỏ chai, bìa giấy. Cào trong rác, bới tìm trong rác, kiếm cái ăn từ trong rác, dày mặt xin lao công mà kiếm. Có người tử tế nhiệt tình nán lại một chút để mình đào bới, nhưng cũng có nhiều lao công cằn nhằn... Số khác thì lạnh lùng đẩy xe rầm rầm mà đi".

Trời sáng, đợi “khi người ta đã dọn hàng về hết rồi” thì họ mới lầm lũi quay về đây để nghỉ ngơi. Cốt là để tránh mưa, tránh nắng. Chiếu cũ, bạt rách trải tạm trên vỉa hè. Xung quanh những thân hình gầy còm ấy là bãi túi nilon, những đống rác rưởi không còn mót được thứ gì, phân chó, ruồi nhặng, rồi mùi tanh của nước cá, thịt còn vương lại… Tổng hợp mọi thứ mùi cứ vậy ám lên người họ - những cơ thể vốn đã không sạch sẽ gì bởi tắm rửa đối với họ là chuyện luôn xa xỉ. 

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 4

Những phận người nghèo khó

Một người đàn bà khác cũng chạc ngoài 50 đang ngồi phe phẩy cái quạt giấy trên vỉa hè, đó là bà Bắc, quê ở Bắc Kạn. Bà Bắc bỏ nhà phiêu bạt lên đây từ bé, rồi cũng lập gia đình, có con cháu đầy đủ. Thế nhưng bà vẫn vật lộn mưu sinh ở đây, vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu. 

Bà Bích cho biết: “Bà Bắc sống tự do quen rồi, giờ cho vào khuôn khổ, phải phụ thuộc người khác thì không sống được”. Và chính vợ chồng bà Bích cũng không muốn về quê ở, vì “ở quê chẳng có gì kiếm ăn được, có mấy sào ruộng thì để cho cháu nó làm, giờ về lại phụ thuộc người ta, chúng nó cũng có gia đình chứ đâu có lo cho mình được. Đành ở đây sống cho hết đời thôi”.

Khổ sở đến… đắng lòng!

Căn lều rách nát của bà Bích vá chằng vá đụp y như cái chuồng gà, vỏn vẹn được chiếc giường con và xung quanh chất đầy các thứ đồ đạc cũ kỹ. Mọi thứ sinh hoạt từ tắm rửa đến nấu nướng đều ở đó cả. 

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 5

Những thứ giải khuây vốn không phải dành cho đàn bà

Vậy mà bà cười hể hả: “Nước thì gánh ở nhà chủ về. Trông tao vậy thôi chứ vẫn gánh được nước đấy, nhưng mà phải đi chậm”. Bà bảo cũng được các hội từ thiện giúp đỡ, như ủng hộ quần áo, cho quạt điện, rồi gạo để ăn. “Toàn gạo ngon, nhưng ăn chẳng hết nên phải bán bớt đi để mua thức ăn cho người và mấy con chó. Có lần được chục cân gạo tám ngon thì bị trộm đi mất, đúng là… kẻ trộm đâu có biết thương người nghèo, ma có biết thương người ốm bao giờ…”. 

Trò chuyện hồi lâu, người đàn bà cao tuổi này đem… thuốc lào ra hút. Dưới ánh đèn dây tóc vàng nhờ nhờ trong túp lều chật hẹp và ẩm thấp, bà rít một hơi thật dài. Khuôn mặt nhăn rúm phù ra một làn khói tỏa nghi út, ám vào mái tóc rối, vào làn da vàng vọt và bộ quần áo cũ trên người bà. Tầm 30 phút sau, bà lại mang ra “làm” thêm một “hơi” nữa… 

Hỏi sao bà lại hút thuốc thế, hại người lắm, bà cười nhạt: “Mấy năm rồi chả nhớ. Tao thấy ông Hùng hút, buồn buồn chán chán, tao cũng đem ra thử. Thế là quen, hút vậy cho nó khuây khỏa, đỡ buồn, đỡ nhạt mồm nhạt miệng. Biết là hại sức khỏe nhưng không cai được, miệng nhạt lắm, cái này mua gói 4 nghìn được mấy ngày, rẻ hơn thuốc lá nhiều đấy…”. 

Rồi người phụ nữ phiêu bạt xa quê, ít học và không có phận được làm mẹ này ngậm ngùi nói với tôi: “Đời đàn bà chẳng khác gì đi buôn, có con thì coi như còn có lãi, giờ chẳng có con cái gì nên nó khổ thế đấy cháu ạ!”. Nói đến đây, bà lững thững đi ra ngoài, một lát sau quay về với chai rượu trên tay – “Tao về uống rượu tí đã, nhạt mồm ghê, hề hề…”.

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 6

Chị Phương với… điếu thuốc lá còn dở

Còn chị Phương – một quả phụ gần 40 tuổi, người gầy đét, hiện rõ sự khắc khổ… Ban đêm chị lên chợ, ngày thì tranh thủ ra đây nghỉ ngơi. Đôi mắt to, trố ra trên khuôn mặt gầy guộc và đen căm. Nom chị dễ khiến người ta mất thiện cảm. Có lẽ gánh nặng mưu sinh bấy lâu đã âm thầm đánh cắp đi phần nào vẻ nữ tính trong con người chị. Chị hút thuốc lá như đàn ông... “Buồn buồn thì hút cho nó tỉnh táo con người, không thì sao mà căng mắt cả đêm được!”, chị bộc bạch. 

Kiếp không nhà và những người đàn bà nghèo… hút thuốc ảnh 7

Họ chỉ có thể quan tâm “hôm nay mình sẽ nhặt được những gì, nhặt được bao nhiêu… 

Cả bà Bích, ông Hùng và bà Bắc đều không rõ chị Phương quê ở đâu... Dù buồn chán, không mấy ai bầu bạn, nhưng chính họ cũng không còn tâm trạng quan tâm đến số phận người khác nữa…

Hơn 17h chiều, ông Hùng lại đến giờ đi nhặt nhạnh. Những người khác thì cũng lục tục lo bữa cơm tạm trước một đêm mưu sinh, thêm một ngày mới – mà cũ, bởi mọi thứ đối với họ vẫn vậy, không nhà cửa, cô độc và lầm lũi trước tương lai của chính mình.