Kiêng cữ thái quá, sản phụ Trung Quốc tử vong

ANTĐ - Nhiều người đã cân nhắc lại những tập tục ở cữ truyền thống sau khi một phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc) tử vong do kiêng thái quá. Chuyên gia y tế Trung Quốc cũng lên tiếng về tính đúng sai và cách áp dụng linh hoạt các quan niệm này trong đời sống hiện nay.
Kiêng cữ thái quá, sản phụ Trung Quốc tử vong ảnh 1

Nhiều người Trung Quốc thuê bảo mẫu trong thời gian họ ở cữ

“Ngồi một tháng”

Tháng 8 vừa qua, một người mẹ đang trong thời gian ở cữ tại Thượng Hải đã tử vong vì đột quỵ sau khi cô quấn nhiều lớp chăn và không bật điều hòa giữa đợt nắng nóng gay gắt dài ngày. Một bi kịch tương tự cũng xảy ra tại Thượng Hải đầu năm nay do sản phụ không chịu di chuyển nhẹ nhàng sau sinh, dẫn tới tử vong vì tắc động mạch phổi.

Trong tiếng Trung, việc ở cữ được gọi là “Zuoyezi” (ngồi 1 tháng). Đây là tập tục truyền thống, người phụ nữ cần thực hiện một chế độ nghiêm ngặt trong khoảng 1 tháng sau khi sinh nở. Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, phụ nữ vừa vượt cạn cơ thể dễ bị nhiễm lạnh nên cần hạn chế tắm rửa và giặt quần áo. Người mới sinh con cũng không nên ra khỏi nhà và được khuyến khích ăn đồ ấm nóng, tránh các thực phẩm lạnh.

Hồi tháng 5, một cuộc tranh luận đã nổi lên trên mạng xã hội Trung Quốc khi truyền thông nước ngoài đăng tấm ảnh Công nương Anh Catherine Middleton tươi cười xuất hiện với đứa con thứ hai trong bộ trang phục mỏng manh chỉ 10 tiếng sau vượt cạn. Ngược lại, 2 ngày sau khi sản phụ Dương Tuyết, 30 tuổi, sinh được một bé gái tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, cô đã về nhà và ở trong nhà hơn 1 tháng, cũng như không tắm rửa. 

Từ bỏ quan niệm cũ

Hiện nay, ở Trung Quốc có nhiều bà mẹ đã từ bỏ quan niệm kiêng cữ truyền thống. Một số bà mẹ như Đỗ Phi - người gốc Bắc Kinh đang sinh sống ở Thượng Hải, đã từ bỏ lối kiêng cữ theo quan niệm cũ. Cô này sinh con hồi tháng 6 và làm mọi việc như bình thường, thậm chí cô còn bế con ra ngoài trời trong tuần đầu tiên bé chào đời. Phần lớn bạn của Đỗ Phi cũng không tuân theo quy định ở cữ truyền thống, nhưng họ vẫn thuê một bảo mẫu để làm giúp việc nhà.

Trong khi đó, đối với một số người, việc ở cữ của các bà mẹ lại đem đến cơ hội kinh doanh. Hàng trăm trung tâm chăm sóc sau sinh mọc lên khắp Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan. Một số trung tâm này còn có dịch vụ và không gian sang trọng không kém khách sạn hạng sang. Gwo Dreyer - một phụ nữ ngoại quốc đã 2 lần đến nghỉ dưỡng tại một trung tâm chăm sóc sau sinh ở Đài Loan cho biết không hẳn quan tâm tới quan niệm về đông y nhưng cô cho rằng, cách chăm sóc sau sinh của châu Á hỗ trợ tốt hơn cho các bậc cha mẹ. “Tại Mỹ, người ta tập trung chăm sóc trẻ sơ sinh, còn ở châu Á, không chỉ em bé mà cả bà mẹ cũng được chăm sóc cẩn thận” - cô Dreyer nói. 

Đối với những quan niệm ở cữ không còn phù hợp với đời sống hiện đại, chuyên gia y tế Trung Quốc khuyến nghị nên áp dụng linh hoạt. Theo bác sĩ Ngô Giang Bình - Chủ nhiệm Trung tâm phục hồi sức khỏe sau sinh Bệnh viện bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em thành phố Nam Kinh, phụ nữ sau sinh vẫn có thể ở phòng điều hòa với nhiệt độ từ 26 độ trở lên, nhưng tránh để hơi lạnh thổi thẳng vào người.

Kiêng tắm hoàn toàn 1 tháng dễ khiến viêm da, nhiễm trùng hậu sản. Bác sĩ Ngô khuyên, sản phụ sinh thường sau 3-7 ngày có thể tắm bằng nước ấm, người mổ đẻ sau 2 tuần mới tắm. Trước quan niệm tháng ở cữ không được bước chân xuống giường, bác sĩ cho rằng thời kỳ hồi phục sau sinh, phụ nữ nên vận động hợp lý để tránh nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc tĩnh mạch. Và tập tục không đánh răng sau khi sinh nở là không có cơ sở khoa học.