Kiến trúc sư Nguyễn Sơn tạo ra "Ma trận" từ rác thải công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Vốn là một kiến trúc sư, Nguyễn Sơn từng rơi vào ma trận để tìm ra câu trả lời cho sự phát triển đô thị bền vững tương thích với cuộc sống của cư dân. Đến với hội họa để tìm thấy sự cân bằng, anh cũng lạc vào một ma trận khác nhưng mang nghĩa tích cực hơn nhằm kiểm soát những xung đột nội tâm.

Ban đầu, ý niệm về ma trận xuất hiện trong người họa sĩ này một cách vô thức. Vốn là một kiến trúc sư, anh thấy sự phát triển một đô thị bền vững sao cho tương thích với chất lượng cuộc sống của cư dân trong đô thị như là một bài toán không có lời giải. Nguyễn Sơn có cảm giác thiếu niềm tin giống như bị lạc vào mê cung.

1. Mớ bòng bong 01, Acrylic, bảng mạch, dây xích trên ván gỗ, 81x120 cm, 2020

1. Mớ bòng bong 01, Acrylic, bảng mạch, dây xích trên ván gỗ, 81x120 cm, 2020

Anh quay trở lại với hội họa với hy vọng tìm được sự cân bằng về tâm lý và thoát khỏi cái mớ bong bong của cuộc sống. Trong hành trình 6 năm qua, Nguyễn Sơn đã vẽ rất nhiều chủ đề, làm việc với nhiều loại chất liệu khác nhau, không tự áp đặt mình vào một triết lý hay mục đích chủ đạo nào, nhưng tranh của anh, cho dù là ngẫu nhiên, không cố ý, vẫn bị ám ảnh bởi những xung đột trong quá trình phát triển.

Chỉ đến khi làm tranh với chất liệu là những mảng bo mạch, anh mới thấy mình dường như đã không bị phụ thuộc và vượt qua được ngoại cảnh, điều đó giống như họa sĩ đã nắm được ma trận.

Ý tưởng ban đầu thật đơn giản, Nguyễn Sơn thử nghiệm làm tranh với bảng bo, mạch với tư cách là rác thải của nền công nghệ số. Bảng mạch cứng và rất khó cắt chính xác theo hình nghệ sĩ muốn. Vì vậy, anh hạn chế tối đa việc cắt xén mà dựa vào hình một tấm mạch hạt nhân để phát triển nó.

1. Vô đề 01, acrylic trên toan, 120x120 cm, 2019

1. Vô đề 01, acrylic trên toan, 120x120 cm, 2019

Cách làm này, có sức lôi cuốn mãnh liệt, anh không còn phải chú tâm vào việc tìm hình, tìm ý nữa mà chỉ việc kết nối các mảng bo mạch sao cho có logic. Sau đó, anh dùng màu acrylic để tạo nghĩa mới cho các mảng bo mạch. Hai chất liệu này, một mảng miếng cứng nhắc với khối hình lồi lõm, ngẫu nhiên, một mềm mại uyển chuyển như nước, được dùng theo phương pháp đổ màu cũng rất ngẫu nhiên.

Chính tính ngẫu nhiên của chất liệu tạo nên sự tương phản lớn nhưng có tính thống nhất, vừa khắc vừa hoà và chính chúng là một ma trận. Mọi việc diễn ra thật nhanh theo xu hướng ngẫu nhiên nhưng cũng chính trong quá trình đó xúc cảm của người nghệ sỹ xuất hiện.

Chính ở quá trình làm các tác phẩm kiểu này, họa sĩ nhận ra rằng mình đã vừa có thể thỏa chí sáng tạo, vừa có thể kiểm soát được sự hỗn loạn, vô trật tự của chất liệu, đã biến rác thải vô ích thành hữu ích. Đó chính là một phần quan trọng của ma trận: tìm ra phương cách khống chế và kiểm soát nó đi theo quỹ đạo và ý thức của người sáng tạo.

1. Điểm chạm, acrylic trên toan, 133x133 cm, 2019

1. Điểm chạm, acrylic trên toan, 133x133 cm, 2019

PGS.TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Vicas art studio nhận xét, với nghệ sỹ này, quá trình làm ra tác phẩm cũng gây hứng thú không kém gì, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả kết quả. Nguyễn Sơn tâm sự với ông rằng: “làm tranh kiểu này đầy khoái cảm như bị say, quên đi nắng nóng, mưa dầm, muỗi đốt, tiếng ồn, mùi ô nhiễm…” và “cứ xong bức nào thì lại cuốn kỹ cất đi, đến khi nào cần đến mới giở ra”.

"Đây cũng là một điểm làm tôi ngưỡng mộ người họa sỹ này: Làm nghệ thuật trước hết là để giải phóng năng lượng sáng tạo cho bản thân, không phải vì mục đích tiền bạc hay cái gì đó cao siêu. Nghệ thuật thuần túy có thể xuất hiện ở những người nghệ sỹ như thế này", nhà phê bình nghệ thuật Bùi Quang Thắng nói.

Còn với Nguyễn Sơn, anh lao vào sáng tác loạt tranh "Ma trận" vì lý do rất đơn giản. "Đã có những thời kỳ, tôi cảm thấy mình như bị cuốn vào một “Không gian mù khơi” (tên một album nhạc tôi sáng tác), nhưng nay hội họa đã cứu rỗi tôi, nó làm cho tôi say một cách yên bình, nó giải thoát những cảm xúc tiêu cực trong tôi", anh chia sẻ.

Triển lãm "Ma trận" giới thiệu 51 tác phẩm tranh và tượng của kiến trúc sư – họa sỹ Nguyễn Sơn, diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 15/11 tại Vicas art studio, số 32 Hào Nam, Hà Nội.