Kiến trúc sư người Việt thi công lăng mộ cho Vua Mohammed V nổi tiếng ở Maroc

ANTD.VN - Chợ cổ ở Rabat nằm ngay bên kia đường, đối diện pháo đài Oudayas. Lúc đọc các chỉ dẫn du lịch của những người đi trước, tôi hơi hoảng. Nhiều người nói chợ cổ ở Maroc như mê cung, ngõ ngách lằng nhằng và dễ lạc như chơi, bạn không nên tách đoàn cũng như đừng tự tiện rẽ vào các ngõ nhỏ. Tôi cũng chẳng dại gì mà chui vào mấy ngõ nhỏ quanh co không bóng người, dù cái ngõ ấy ở giữa Paris, Rome, New York hay Bangkok. 

Nữ nhà văn Di Li đứng trước Lăng Mohammed V - công trình kiến trúc đương đại đẹp nhất Maroc do Eric Võ Toàn thiết kế

Tháng Ramadan, madam đừng ăn trước mặt người khác

Về độ khổng lồ và nỗi lo bị lạc thì các “medina” (trong tiếng Ả-rập nghĩa là “đô thị”) ở Rabat hay Marrakesh không thể nào so sánh được với bazaar ở Istanbul hay các chợ đêm ở Đài Loan (Trung Quốc). Ở Maroc, tôi vào chợ cửa nào vẫn cứ ra được cửa ấy, dù đã đi hết từ đầu chợ đến cuối chợ. Và cũng không thấy bóng dáng mấy khi của những kẻ ưa móc túi người lạ. 

Chợ cổ Rabat hôm ấy thưa vắng, có thể lý do rơi vào tháng Ramadan, người đi chợ vãn hơn và khách du lịch cũng giảm đi. Chợ chủ yếu bán đồ lưu niệm, túi da, giày da, các loại khăn quàng, đồ trang sức, trang phục truyền thống và thảm dệt. Cũng có vài quầy hoa quả và bánh trái nhưng ít người mua. 

Maroc nổi tiếng về đồ da thuộc. Những xưởng thuộc da với các thùng màu nhuộm khổng lồ cũng thường được các nhiếp ảnh gia quốc tế đưa lên tạp chí. Nhưng dù có nói thế nào, da thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hy Lạp và Maroc cũng không thể so sánh được với các sản phẩm giả da đa dạng của Trung Quốc, khi mà bị thua đứt về kiểu dáng. Đồ da thuộc của Maroc xét về độ bền thì có thể dùng để đi xuyên sa mạc vài năm mà không sứt sẹo, nhưng màu sắc thì rất nhợ.

Có lẽ màu nhuộm của họ tồn tại cả thiên niên kỷ vẫn với công thức ấy không thay đổi, chỉ với mấy màu cơ bản là lá cây, lam đậm, hoa hiên, vàng nghệ… Chưa kể túi xách chỉ có vài kiểu và đồ xỏ chân chủ yếu là hài. Người Maroc ưa đi hài, mũi nhọn hoắt và mặc áo chùm dài đến mắt cá chân, cổ áo thêu hoa văn chỉ vàng, chỉ bạc.

Những ngày lễ đặc biệt, dứt khoát là họ mặc quốc phục ấy, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Vì thế đến Maroc, hãy quên đi khái niệm mua sắm thời trang. Cho dù thanh niên nam nữ cũng vẫn mặc quần jeans, áo pull nhưng có vẻ các thương hiệu bình dân phổ biến như Mango, Zara, H&M, Tommy, Charles & Keith làm ăn không mấy phát đạt ở Maroc. 

Vào chợ cổ, chủ yếu người ta mua lạc đà bằng da để làm đồ lưu niệm và rất nhiều những bộ đồ trà, khay, hũ, đèn… nạm bạc. Cả những chiếc gương truyền thống có hai cánh cửa đóng mở nữa. Đi chợ thưởng thức không khí của một xứ sở đạo Hồi châu Phi là chính, chứ tôi không định mua gì. Như mọi quốc gia Hồi giáo và Hindu khác, tất cả người bán hàng là nam giới.

Nói chung phụ nữ đạo Hồi thường không được phép làm những công việc tiếp xúc nhiều người như nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và buôn bán. Có một anh bán hàng vui vẻ hỏi chuyện tôi bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Không phải lúc nào anh ta cũng nhìn thấy người Việt Nam. Thứ tiếng Pháp trơn tru của anh, cách ứng xử văn minh và cả nước da trắng, sống mũi cao của tất cả những người ở đây khiến tôi hơi thất vọng. Vì chúng chẳng mang lại cảm giác… châu Phi chút nào.

Tất nhiên nếu bạn mong ngóng một không khí của lục địa đen và cảm thức phiêu lưu như trên phim ảnh, thì đừng nên đến Nam Phi, Ai Cập, Algeria hay Tunisia, đấy là những nơi mà nước da của người bản địa cũng hầu như trắng bóng như châu Âu vậy. Suốt tuần lễ đi khắp Maroc, tôi chẳng gặp nổi một người da đen nào ngoài hai anh chàng Senegal làm thuê khách sạn ở Marakesh.

Giữa chợ người ta bán một thứ bánh tráng nóng hổi, nhìn không ngon lắm nhưng tôi đã quá đói, quên mất có cắn thử một miếng, lập tức bị một người bán hàng nhắc nhở ngay: “Madam, tháng Ramadan, madam đừng ăn trước mặt người khác”.

Tôi đành xin lỗi rối rít rồi giấu tiệt miếng bánh đi. Thêm một nỗi khổ nếu bạn đi du lịch các nước đạo Hồi vào tháng Ramadan, ấy là có đói lả hay khát cháy họng cũng không thể vi phạm phép lịch sự mà ăn uống trước mặt những người đang phải nhịn. 

Lúc còn đang ở trong chợ, tôi chợt nhớ ra 5 giờ chiều sẽ có phiên đổi gác ở lăng Mohammed V nên vội vã chạy đi gọi taxi. Tuy nhiên đến nơi thì hai lính gác ăn mặc lộng lẫy đã đủng đỉnh cưỡi ngựa đi mất rồi. Lăng Mohammed V được giới chuyên môn đánh giá là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Maroc cho đến thời điểm bây giờ và có thể được coi là biểu tượng của Rabat, tuy nhiên nó lại được xây dựng bởi một kiến trúc sư người Việt là ông Eric Võ Toàn. 

Ngưỡng mộ người kiến trúc sư gốc Việt tài ba

Eric Võ Toàn rời Sài Gòn năm 1945 để sang Pháp mưu sinh và theo đuổi đam mê kiến trúc. Ông thi đậu trường Mỹ thuật Paris và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất. Năm 1961, Eric Võ Toàn tình cờ gặp mặt quốc vương Hassan II ở Rabat trong một hội chợ quốc tế. Vị Vua Maroc đã vô cùng ấn tượng về gian hàng mà chàng thanh niên người Việt thiết kế.

Định mệnh ấy đã khiến Eric Võ Toàn được lựa chọn là tổng công trình sư thi công lăng mộ cho Vua Mohammed V. Trong 14 năm ròng, hơn 400 nhân công Maroc đã bền bỉ ghép từng viên đá trắng dưới sự chỉ đạo của một kiến trúc sư Việt Nam. Eric Võ Toàn thành công dân Maroc từ đó cho đến ngày về cõi Niết bàn năm 2004 mà không kịp về thăm quê hương.

Ở Maroc ông là một nhân vật rất được ái mộ, nhưng tôi chỉ mới biết đến tên ông trong cuộc hội thảo “Chia sẻ ký ức lịch sử giữa Maroc và Việt Nam” hồi cuối tháng 3-2017 ở Hà Nội. Ở đó, các chuyên gia và cả Đại sứ Vương quốc Maroc đều nhắc đến tên ông. Tuy nhiên chỉ đến khi đứng trong khoảng sân rộng thênh thang đối diện với công trình bằng đá cẩm thạch tráng lệ, tôi mới thực sự ngưỡng mộ người kiến trúc sư tài ba.

Lăng Mohammed V nằm bên bờ sông Bou Regreg. Con đường trước mặt vắng vẻ, hầu như không xe cộ nào chạy qua. Tôi không biết mình đang đứng bên bờ Salé hay bờ Rabat, mà trong những quảng cáo du lịch, người ra đã dùng một cụm từ mỹ miều “Huyền thoại đôi bờ”. 

Thành Cổ: Oai hùng và sầu muộn

Những ngày ở Maroc, tôi ít khi được tiếp xúc với phụ nữ. Tất cả những người bán hàng, lễ tân khách sạn, bồi bàn… đều là mày râu cả. Phụ nữ Hồi giáo và Hindu không nên xuất hiện nhiều trước mặt người lạ, vì thế những công việc phải tiếp xúc nhiều với khách hàng đều do nam giới đảm nhiệm. Sau khi rời khỏi lăng Mohammed V, chúng tôi đi tàu điện đến cung điện, rồi từ đó hỏi đường về pháo đài cổ Chellah.

Một cô gái quãng chừng 16 tuổi mặc áo da đen, quần jeans bó, đi bốt cao cổ với mái tóc xoăn ngang lưng và khuôn mặt trái xoan ủ ê dừng lại chỉ đường cho tôi. Nhưng thấy tôi có vẻ ngơ ngác, cô ấy liền bảo “Follow me”. Chúng tôi đi theo cô ấy dọc bức tường đằng đẵng của cung điện. Cô gái chẳng được ăn uống gì từ 4 giờ sáng mà bước rất nhanh (Tháng         Ramadan, người đạo Hồi phải nhịn ăn uống từ lúc mặt trời bắt đầu mọc đến khi mặt trời lặn, là 4h sáng đến 7h tối). Bóng áo da đen lùi xa dần về phía trước.

Tôi lẽo đẽo theo sau. Phía bên kia đường có lẽ là khu nhà giàu của các đại gia và quan chức. Họ sống ngay bên ngoài cung điện, trong những biệt thự màu trắng dưới bóng cây cọ xanh um. Có tới hàng trăm biệt thự xa xỉ như thế. Cô gái phía trước bắt đầu nghe điện thoại hồi lâu. Cái bóng nhỏ xíu càng lúc càng nhỏ lại. Bầu trời sẫm dần phía trước và những cánh chim hóa thành từng vệt đen phía trên những cây cọ.

Cô gái bé nhỏ đi đâu một mình trong tháng Ramadan này? Con đường rộng thênh chạy song song cùng tường thành và nó dẫn về thành cổ, chứ chẳng phải trung tâm mua sắm hay khu dân cư. Những người khác bắt đầu mệt rã rời và họ đề nghị tôi cho nghỉ giữa đường. Cô gái đã mất hút. Cô gái Maroc hiếm hoi tôi gặp trên đường thiên lý, chẳng phải chít khăn trùm đầu và vận áo cánh hoa văn rực rỡ mà trong vóc dáng của dân hippie.  

Thực lạ kỳ khi người ta có thể đi bộ một mình ở khu vực vắng vẻ thế này trong chiều muộn. Và pháo đài Chellah, cũng lặng lẽ như những người Maroc bí ẩn, với cánh cổng gỗ khổng lồ, nặng trịch đóng kín. Hai tháp canh phác lên hoàng hôn một khúc oai hùng và sầu muộn. Cờ Maroc vẫn tung bay ngoài cổng thành.