Kiên trì đấu tranh, nêu cao chính nghĩa và luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

ANTD.VN - “Độc chiếm Biển Đông” là chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Chính vì thế, ngăn chặn tham vọng này là cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì. Trong đó, tính chính nghĩa của Việt Nam và vai trò của luật pháp quốc tế phải luôn được đề cao.

Kiên trì đấu tranh, nêu cao chính nghĩa và luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông ảnh 1Việt Nam tận dụng các diễn đàn đa phương như ASEAN để nêu cao chính nghĩa trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Mới đây, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ khóa 74 về chủ đề “Đại dương và Luật biển”, đại diện của Việt Nam đã bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. 

Không mơ hồ với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Trên thực địa, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp 7 bãi đá chiếm đóng của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa). Sau đó, Trung Quốc nhanh chóng biến các đảo nhân tạo này thành những căn cứ quân sự, trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000m. Không thể bám mãi vào khái niệm “đường lưỡi bò” 9 đoạn, vốn đã bị Tòa trọng tài trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines bác bỏ hồi năm 2016, từ năm 2017, Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa”.

Theo đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Đi liền với hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc còn ngăn cản các nước ven biển trong khu vực hợp tác với các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Họ ngang nhiên coi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác như của mình, mà điển hình là vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan 981 trong vùng EEZ của Việt Nam hồi năm 2014 và gần đây nhất là hoạt động của tàu thăm dò Hải Dương 8.

Trong khi liên tục có các hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các nước khu vực, Trung Quốc lại “bật đèn xanh” cho báo chí nước này cáo buộc Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia... là “những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cướp tài nguyên của Trung Quốc”, do đó Trung Quốc phải thu hồi. 

Nêu cao chính nghĩa trong cuộc đấu tranh kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Trong bối cảnh đó, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, hết sức quan trọng và thiêng liêng, đòi hỏi sự kiên trì. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Biện pháp thì theo Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế”.

Thế mạnh của Việt Nam là chính nghĩa. Chính vì thế, trong cuộc đấu tranh này, Việt Nam luôn chủ động truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới. Gần đây nhất, khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”. 

Trên các diễn đàn khu vực, thế giới, trong các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương, Việt Nam đều tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Với Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đều thẳng thắn đấu tranh trực diện về tình hình Biển Đông.

Việc cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông đã giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế về âm mưu, tham vọng của Trung Quốc, cũng như những hoạt động đấu tranh của Việt Nam. Qua đó, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối những hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc. 

Tôn trọng luật pháp quốc tế, tận dụng diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Bên cạnh việc nêu cao chính nghĩa, thì việc đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm.  

Mới đây, tại phiên họp phiên toàn thể về chủ đề “Đại dương và Luật biển” của Đại hội đồng LHQ khóa 74, đại diện của Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS. Đề cao tầm ảnh hưởng của UNCLOS như bản Hiến pháp về biển và đại dương, nhất là với các khu vực có tranh chấp như Biển Đông, Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và các hiệp định thực thi Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước, trong đó có các hoạt động kinh tế biển. 

Có một thực tế là tuy là thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc thường đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, từ đó liên tục có các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, trong đó có vùng biển của Việt Nam. Sau khi Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn, Trung Quốc thực hiện chính sách 3 không “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết” nhằm vô hiệu hóa trên thực địa phán quyết của Tòa.

Những việc làm trên của Trung Quốc đã làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật, trở thành tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam đề cao vai trò của UNCLOS, khẳng định bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của UNCLOS, đã nhận được sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế. 

Việt Nam cũng tranh thủ các diễn đàn đa phương để tìm sự hậu thuẫn cũng như giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ký giữa Trung Quốc và ASEAN ngày 4-11-2002; đồng thời tích cực tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Bắt đầu từ năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Đặc biệt, ngay tháng đầu tiên của năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, Việt Nam không loại trừ bất kỳ khả năng nào về việc có đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng bảo an hay không, và sẽ làm những gì cần làm, vào thời điểm thích hợp.