Kiện toàn lực lượng, triển khai nhiều mô hình mới đảm bảo an ninh trật tự

ANTD.VN - Tròn 10 năm địa giới hành chính Hà Nội mở rộng; đánh giá về công tác đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn Thủ đô, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP cho biết: một trong những chủ trương và giải pháp được CATP chú trọng là bố trí lực lượng tăng cường cấp cơ sở và triển khai các mô hình mới, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân.

Trước sự kiện kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đồng chí Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP đã chia sẻ những chủ trương, biện pháp và kết quả đạt được của toàn lực lượng Công an Thủ đô thời gian qua.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải

Phóng viên: Thưa đồng chí Thiếu tướng - Phó Giám đốc, đồng chí có thể đánh giá khái quát những vấn đề chính đối với công tác đảm bảo ANTT, sau khi địa giới hành chính Hà Nội mở rộng?

Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Sau khi hợp nhất, diện tích Hà Nội tăng gấp 3,6 lần, dân số tăng 1,8 lần, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện tăng hơn 2 lần. Cùng với những khó khăn chung trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực mà Thành phố phải đối mặt, nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô cũng gặp những khó khăn, chủ yếu như: địa bàn quản lý rộng với tính chất phức tạp, nhạy cảm về an ninh trật tự (có cả địa bàn miền núi, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với sự chênh lệch lớn về trình độ dân trí, thu nhập…), tốc độ đô thị hóa nhanh; việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực đất đai còn nhiều tồn tại dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khiếu kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, khiếu kiện liên quan đến đất có nguồn gốc tôn giáo diễn biến phức tạp; hoạt động của các "đạo lạ", "tà đạo", "hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới" có chiều hướng phát triển, gây mất an ninh, trật tự là những điểm mà số đối tượng chống đối chính trị triệt để lợi dụng để kích động, gây rối.

Bên cạnh đó, do địa giới mở rộng làm tăng số địa bàn, tuyến trọng điểm, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh; tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội hoạt động trên địa bàn rộng hơn, di dân tự do vào Hà Nội tăng mạnh làm gia tăng tội phạm là người tỉnh ngoài. Công tác quản lý xã hội còn tồn tại nhiều bất cập, yếu kém, chất lượng trong việc quản lý trật tự đô thị, trong quy hoạch, xây dựng, cấp đất, giải phóng mặt bằng.. còn thiếu đồng bộ, nhất là ở những địa bàn mới hợp nhất là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân gây phức tạp về an ninh trật tự.

Về công tác tổ chức cán bộ, đây là khó khăn chung của cả Thành phố khi hợp nhất, đặc biệt là liên quan đến tư tưởng cán bộ, chiến sỹ về công việc, trụ sở, dư thừa cán bộ lãnh đạo, chỉ huy…

Những vấn đề đó tác động không nhỏ đến công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô thời gian đầu sau hợp nhất.

Phóng viên: Trước những thực tế tình hình đó, CATP đã bố trí lực lượng và triển khai các mô hình mới nào để đảm bảo tốt ANTT?

Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đã thống nhất tập trung chỉ đạo triển khai 2 trọng tâm công tác là bố trí lực lượng và triển khai các mô hình mới đảm bảo ANTT.

Về công tác bố trí lực lượng, ngay sau khi hợp nhất, để đảm bảo đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả; CATP đã tổ chức tổng điều tra cơ bản toàn bộ tuyến, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn với những nội dung cụ thể, chi tiết, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp, biện pháp sát hợp trên từng mặt, lĩnh vực, địa bàn.

Qua điều tra cơ bản, nhận thấy lực lượng Công an cơ sở còn mỏng, hạn chế; CATP đã xây dựng, triển khai đề án tăng cường lực lượng cho công an cơ sở, địa bàn có tình hình an ninh, trật tự phức tạp; đồng thời thành lập các tổ công tác của phòng nghiệp vụ tăng cường, hỗ trợ cho Công an cấp huyện phức tạp về ANTT theo từng lĩnh vực.

So với năm 2008, sau 10 năm hợp nhất, hầu hết Công an các huyện thuộc Hà Tây đều được tăng cường lực lượng.

Về triển khai các mô hình mới đảm bảo ANTT: Qua 10 năm triển khai đã xây dựng được trên 10.000 mô hình hoạt động, trung vào các địa bàn phức tạp về ANTT, khu có tốc độ đô thị hóa nhanh, khu công nghiệp, khu đông dân cư, học sinh, sinh viên, có nhiều mục tiêu trọng điểm cần bảo vệ…  Thường xuyên củng cố, duy trì 9.123 lượt mô hình hoạt động hiệu quả đã có từ trước; xây dựng mới 2.639 lượt mô hình; nhân rộng 1.528 lượt mô hình.

Đặc biệt, có nhiều mô hình, chuyên đề điển hình ở các địa phương được Bộ Công an giới thiệu cho các tỉnh thành phố trong cả nước tham khảo vận dụng như: Chuyên đề: “Phối hợp các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân quản lý giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến vi phạm pháp luật” của phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; Chuyên đề Hộ tự phòng, số nhà tự quản của phường Lý Thái Tổ quận Hoàn Kiếm;  Mô hình Dòng họ tự quản” ở huyện Ba Vì; Mô hình "Cụm liên kết ANTT vùng giáp ranh" ở huyện Đan Phượng; Mô hình “Câu lạc bộ B93” cảm hoá, giáo dục người sau cai nghiện ma tuý ở quận Ba Đình

Phóng viên:  Đồng chí có thể cho biết về chủ trương của CATP khi quyết định thành lập các Đồn công an dù ở khu vực đó đã có Công an các xã?

Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Việc thành lập các đồn Công an khu vực trọng điểm về ANTT đã được CATP Hà Nội triển khai từ năm 2006, cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình này. Hiện CATP có 39 Đồn Công an khu vực trọng điểm về ANTT thuộc Công an thị xã Sơn Tây và 16 Công an huyện, chiếm 26% tổng số Đồn Công an khu vực trọng điểm về ANTT trên toàn quốc. Mặc dù ở nhiều nơi đã có lực lượng công an xã, tuy nhiên việc thành lập Đồn công an vẫn mang tính cấp thiết trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, cụ thể:

Thứ nhất, về lý luận, việc xây dựng các Đồn công an được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2005, được Bộ Công an triển khai trên toàn quốc nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự thời điểm đó đặt ra. Bộ công an cũng đã có những văn bản hướng dẫn tiêu chí thành lập đồn công an, trong đó quy định rất cụ thể từng tiêu chí. Có thể kể đến như:

- Khu vực phải có phạm vi từ 2-5 xã, thị trấn mà ở đó không bố trí công an chính quy, có địa giới hành chính liền kề, địa bàn giáp ranh; mật độ dân cư lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều xí nghiệp, doanh nghiệp, nhà máy quan trọng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu du lịch, khu thương mại và dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng… hoặc khu có địa thế hiểm trở, khó khăn cho công tác quản lý chính quyền các cấp, ở đó bọn tội phạm thường xuyên hoạt động. Thực tế sau hợp nhất, xuất hiện nhiều khu vực như trên, nhất là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, tiềm ẩn phức tạp về ANTT.

- Khu vực cách xa trung tâm huyện lỵ từ 10km trở lên, nếu có vụ việc xảy ra, việc tổ chức huy động lực lượng Công an huyện đến nơi sẽ không bảo đảm tính kịp thời trong giải quyết, xử lý vụ việc. Các huyện của Hà Tây cũ đều có những khu vực cách xa trung tâm như vậy. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế (nhiều xã chưa có đ/c Trưởng Công an xã), lực lượng Công an chính quy còn mỏng, dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Mặc dù Công an huyện đã tăng cường lực lượng, nhất là cán bộ phụ trách xã, tuy nhiên vẫn khó khăn trong việc quán xuyến địa bàn, đối tượng, ổn định tình hình phức tạp tại địa bàn.

Thực tiễn sau khi triển khai các Đồn công an, tình hình ANTT tại các khu vực trọng điểm về ANTT đều có nhiều chuyển biến tích cực so với trước khi thành lập; công tác an ninh, trật tự trên địa bàn được đảm bảo, tình hình các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, không để xảy ra vụ, việc gì lớn có liên quan đến tình hình an ninh chính trị.

Về khía cạnh tâm lý xã hội, Đồn Công an được thành lập tại các khu vực trọng điểm về ANTT đã phần nào răn đe các đối tượng có ý đồ hoạt động phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm. Việc bố trí lực lượng với quân số đông, chia thành các tổ thực hiện chuyên sâu trên các mặt công tác đã tạo lực lượng đủ mạnh, để giải quyết ban đầu các vụ việc phức tạp về ANTT.

Như vậy, có thể khẳng định, việc thành lập các Đồn công an là chủ trương đúng đắn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; có tính khoa học, phù hợp với xu thế và đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ANTT đặt ra trong tình hình mới. Bên cạnh đó, thời gian tới, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, CATP sẽ tiếp tục triển khai đề án công an chính quy làm công an xã, tăng cường lực lượng cho cơ sở, cùng với Đồn công an sẽ là nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

 Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!