Vĩnh Phúc:

Kiên quyết không để cát tặc lộng hành ​

ANTĐ - Nhiều biện pháp quyết liệt đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên 3 tuyến sông chảy qua địa bàn.

Kiên quyết không để cát tặc lộng hành  ​ ảnh 1

Hoạt động khai thác cát trên tuyến sông Lô từng diễn ra phức tạp

Náo nhiệt dòng Lô giang

Là địa bàn có 3 tuyến sông sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy, tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có gần 30 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi. Đáng chú ý, với chiều dài hơn 28km, sông Lô thuộc địa bàn huyện Sông Lô được xem là “mỏ vàng” về tài nguyên cát vàng.

Thời gian qua, tình hình khai thác khoáng sản (cát) diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc tại một số địa phương. Ông Nguyễn Văn Khước – Giám đốc Sở TN&MT, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, riêng tuyến sông Lô hiện có 8 công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ và 3 doanh nghiệp được Cục đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) chấp nhận chủ trương cho thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa và tận thu sản phẩm.

Cách đây gần 1 năm, tình trạng khai thác cát diễn ra khá rầm rộ, thậm chí có cả những đối tượng đứng ra “bảo kê” khai thác cát trái phép, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Khi lực lượng chức năng mạnh tay xử lý, chính những đối tượng này lại xúi giục người dân kiện tụng, cản trở những doanh nghiệp được cấp phép, làm ăn đúng đắn.

Đơn cử như vụ một số người dân ở thôn Long Thành, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ kéo nhau ra cản trở và đe dọa không cho các tàu của công ty được cấp phép khai thác cát khai thác. Trước hiện tượng đó, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ, đồng thời yêu cầu một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để tránh xảy ra sự việc phức tạp.

Đừng để tình trạng "Vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Trung tuần tháng 5 vừa qua, có mặt tại tuyến sông Lô (đoạn chảy qua địa bàn các xã Triệu Đề, Cao Phong, Đức Bác, Tứ Yên, Bạch Lưu, Hải Lựu…), nơi từng diễn ra hoạt động khai thác cát phức tạp, PV ANTĐ ghi nhận những chuyển biến ban đầu, xuất phát từ nỗ lực của lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, cùng sự phối hợp với chính quyền địa bàn giáp ranh.

Hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được kiểm soát, kiềm chế

 Đại úy Phùng Quốc Trưởng, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản (khai thác cát) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Phòng Cảnh sát đường thủy; Công an các huyện và chính quyền địa phương… để có những giải pháp kiên quyết xử lý mạnh tay, không để “cát tặc” lộng hành.

Thời gian qua, CS Môi trường phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý hàng chục vụ cùng hàng chục đối tượng vi phạm, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Trong công tác phối hợp địa bàn giáp ranh, lực lượng Công an tỉnh cũng đã bàn giao một số vụ, đối tượng cho Công an TP Hà Nội và Vĩnh Phúc để giải quyết theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Đang - Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc cho biết, tuyến sông Lô chảy qua địa bàn xã hiện có 3 đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Thời gian trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra khá phức tạp, từng có việc tranh giành địa bàn khai thác dẫn đến ẩu đả. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, cùng với sự vào cuộc cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở, việc tuyên truyền nhận thức pháp luật đến các doanh nghiệp, người dân được đẩy mạnh nên tình hình ANTT đã được ổn định.

Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Phúc Dương, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Sông Lô, hiện nay có một vấn đề phát sinh trong quản lý khai thác khoáng sản khiến nhiều địa phương không khỏi băn khoăn, đó chính là hoạt động của một số công ty, doanh nghiệp được Cục đường thủy nội địa đồng ý cho thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa và tận thu sản phẩm.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cũng chia sẻ, “việc đánh giá tận thu sản phẩm hay giám sát nạo vét độ sâu của từng đoạn sông thì cơ quan chức năng địa phương không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Mặc dù theo quy định, hình thức hoạt động này của doanh nghiệp đều có công ty giám sát. Tuy nhiên, việc công ty giám sát có làm việc nghiêm túc hay không thì không ai biết".

Hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đang trở thành vấn đề nan giải trong công tác quản lý khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương.