"Kiên quyết không bắt..."

ANTD.VN - Đêm đã thật khuya, tôi vẫn chưa thể ngủ, trên bàn là tập hồ sơ các đối tượng hình sự trên địa bàn. Cẩn thận đọc kỹ từng cái tên, vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho một nguồn tin mà tôi đã được cung cấp trong buổi chiều.

Minh họa: Nguyễn Hữu Khoa

Số là chiều nay, không phải xuống địa bàn, đang chuẩn bị sổ sách cho việc kiểm tra hộ khẩu định kỳ thì tôi được trực ban công an phường báo có khách cần gặp với việc gấp. Bỏ giở mấy việc đang làm, tôi ra phòng trực ban. Khách không phải ai xa lạ mà là một người dân trong khu phố tôi phụ trách.

Trái với vẻ đàng hoàng, tự tin, người phụ nữ kéo tôi ra ngoài cửa, thì thào: Anh này, thằng Thắng nhà em ăn cắp xe máy, nó mang về nhà tháo tung phụ tùng rồi giấu trên gác xép, anh mau xuống bắt kẻo nó tẩu tán hết.

Tôi cảm ơn chị Loan- người báo tin- và nói chị cứ về theo dõi thêm các động thái của Thắng, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Người báo tin cố giấu cái bĩu môi, nhưng vẻ như dè bỉu: đến khi các anh có biện pháp thì chiếc xe đã bay hơi rồi, đã nướng vào sới bạc hết rồi.

Khi người báo tin rời khỏi công an phường, dù không mấy chắc chắn vào lời chị này nhưng tôi vẫn khẩn trương xuống khối. Thông báo vắn tắt tình hình cho đồng chí bảo vệ dân phố, ông này sốt sắng: thế thì ta phải khám nhà ngay. Thằng Thắng này nguy hiểm lắm. Khối ta vừa xảy mấy vụ trộm, không chừng là nó gây ra. Thằng này mới ra tù, công ăn việc làm chưa có nhưng vợ con vẫn đàng hoàng, thế thì tiền ở đâu ra?

Tôi kiên nhẫn giải thích để ông bảo vệ dân phố hiểu, rằng: không thể căn cứ vào một thông tin chưa được xác minh mà làm những việc vi phạm pháp luật, rằng, không thể hễ cứ muốn khám nhà ai là khám, ông hiểu nhưng vẫn vùng vằng: thế thì mặc chú muốn làm gì thì làm, để xổng việc này, không đưa được thằng Thắng đi cải tạo để “trong sạch địa bàn” là lỗi của chú.

Tôi hơi buồn, vì một bảo vệ dân phố dày dặn kinh nghiệm như ông nhưng trong việc này lại có vẻ hấp tấp, vội vã và có ý dồn tôi vào thế bí.

Tuy vậy, tôi vẫn bố trí cơ sở bí mật theo dõi, nắm các di biến động của Thắng, nhất là việc gã đã đi đâu trong ngày hôm đó, hơn nữa từ sau khi có nguồn tin gã lấy cắp xe máy rồi tháo phụ tùng cất giấu thì gã sẽ tìm cách tiêu thụ ở đâu? Một tổ tuần tra dân phố tối ấy cũng được tôi bố trí chốt gần khu vực Thắng ở.

Tôi báo cáo với Phó công an phường phụ trách hình sự về nguồn tin và những việc tôi đã triển khai. Nghe xong, anh đồng ý với phương án mà tôi đưa ra và điềm tĩnh: ''Nếu cần, cậu có thể kết hợp cả biện pháp công khai và bí mật, có thể kiểm tra tạm trú, tạm vắng, nhưng để leo lên gác xép nhà người ta không phải chuyện dễ, cậu phải cân nhắc việc này. Tôi sẽ nói anh em trong tổ hình sự hỗ trợ việc xác minh mối quan hệ của Thắng ở chợ mua bán xe máy. Cậu chưa nắm được Thắng đang mua đi bán lại xe máy ở đấy à, Cảnh sát khu vực quản lý đối tượng hơi bị yếu đấy nhé!".

Tôi ngượng chín người vì lời trách của Phó công an phường và lí nhí xin phép anh sẽ thực hiện những việc anh đã giao.

Qua một đêm tổ tuần tra không phát hiện động tĩnh gì ở Thắng, ngày hôm sau tôi bố trí một số người dân tốt quanh khu vực Thắng ở theo dõi những lần ra khỏi nhà của anh ta, người báo tin tên Loan tỏ ra sốt ruột và vẫn đề nghị tôi phải khám gác xép của Thắng - nơi vợ chồng anh ta và đứa con trai đang ở. Tôi không thể làm theo vì linh cảm thấy có điều gì đó không bình thường trong chuyện này.

Nhà Thắng có 5 anh em, Thắng là con thứ 2 trong gia đình, sau Thắng là 3 cô em gái. Loan là chị dâu Thắng. Vợ chồng Loan, đã có 2 con. Cả cái “đại gia đình” 12 người ấy - gồm cả bố mẹ Thắng đang ở chung trong một căn hộ 36 m2, tuy đã tách làm 3 hộ. Chuyện gì sẽ xảy ra khi Thắng “dính án” hoặc phải đi tập trung cải tạo?

Câu hỏi này được bà tổ phó dân phố giải đáp phần nào, đấy là mâu thuẫn nội bộ cái “đại gia đình” này vốn thường xuyên xảy ra, Loan rất muốn vợ chồng Thắng phải đi khỏi đấy, bóng gió có, nói toạc móng heo trong những lần cãi vã cũng có. Lần này, thông tin của Loan về việc Thắng ăn cắp xe máy có nằm trong ý đồ mượn bàn tay của pháp luật để “đẩy đuổi” Thắng?

Tôi tích cực nắm tình hình để làm rõ tình tiết này và cùng tổ cảnh sát hình sự xác minh mối quan hệ làm ăn của Thắng ở chợ buôn bán xe máy, trinh sát có được nguồn tin quý giá, rằng Thắng làm ăn khá “mát tay” ở chợ, anh ta ngày nào cũng mua đi bán lại được 1,2 “con” xe. Việc này giải thích vì sao vợ chồng Thắng ăn tiêu có phần rủng rỉnh. Nhưng liệu Thắng có tham gia một đường dây tiêu thụ xe gian mà Phòng Cảnh sát hình sự đang điều tra?

Nỗi buồn của tôi về ông bảo vệ dân phố hấp tấp cũng được giải tỏa. Hỏi ra thì biết đây chỉ là mâu thuẫn cá nhân giữa ông và Thắng, có vài lần Thắng hỗn với ông nên ông rất ức, nhưng sau cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, ông cũng nhận thấy mình sai và rất tích cực cùng tôi thực hiện những phương án đã được duyệt.

Quyết định gọi hỏi Thắng của tôi được Phó công an phường đồng ý, anh chỉ hỏi thêm một câu: “Cậu có biết một phương châm công tác công an không?”. “Dạ, bắt cũng được, không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt”, tôi trả lời và Phó công an phường tỏ ra hài lòng. Tôi hiểu ý anh muốn nhắc tôi điều gì qua phương châm này.

Hỏi han Thắng về việc làm ăn, anh ta trả lời qua quýt và nói rằng cũng được. Tôi nhằm thẳng vào vấn đề:

- Này, thế “con” Dream anh mang về nhà đã 2 ngày nay, sao không thấy đi nhỉ, xe không đi được à?

Thắng có vẻ chột dạ, ấp úng:

- Em thấy “con” xe này tốt nên định dùng để đi ạ, còn khi nào được giá thì bán. Nhưng một số phụ tùng đã cũ, nên em định thay, “mông má” lên cho long lanh.

- Thế anh mua chiếc xe này của ai, ở đâu, xe có giấy tờ không?

- Em mua ngoài chợ thôi, người bán xe em không biết là ai, anh ta chỉ nói xe mua của một người khác, vì xe không có giấy tờ nên anh ta không yên tâm khi dùng, phải bán lại. Em liều mua và vì xe không có giấy tờ nên em mua được với giá khá rẻ. Em biết là em sai rồi.

- Còn hơn cả sai, Thắng ạ, anh đã mua phải chiếc xe bị mất trộm cách đây 2 năm.Tôi có thể bắt anh về tội  “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Anh thấy sao?

- Trăm ngàn lần xin anh tha cho em. Việc này em không biết, em chỉ nghĩ xe đã qua mấy đời chủ nên có thể mất giấy tờ, hám rẻ, em cũng chỉ mua để sử dụng.

- Anh thành khẩn thế là tốt, nhưng tôi khuyên anh cần nộp lại chiếc xe và cung cấp mọi thông tin cần thiết cho các anh bên hình sự nếu các anh ấy yêu cầu. Mà anh cũng nên bỏ cái nghề này đi, nhiều rủi ro lắm, không khéo lại mang vạ vào thân.

- Dạ, em mang ơn anh, em sẽ làm theo lời khuyên của anh.

ĐOẠN KẾT

Mấy chú thợ học việc loay hoay với chiếc xe cà tàng của tôi khá lâu nhưng vẫn chưa tìm ra “bệnh”, một chú thợ lau mồ hôi rồi bảo: Giờ chỉ có bác Thắng mới tìm được “bệnh” và trị được, thôi để em gọi bác ấy xuống.

Nói rồi cậu này vào nhà, năm phút sau ông chủ cửa hàng có tên Thắng ra cùng, tôi ngờ ngợ, hình như Thắng ở khối 5 khu phố Mới do tôi làm cảnh sát khu vực năm nào. Thắng chưa nhìn thấy tôi, anh ta đến bên chiếc xe, nổ máy, xem lại bu-gi rồi hướng dẫn cho mấy chú thợ học việc cách làm, đoạn quay sang tôi, Thắng bảo: 

- Xe của bác cũ quá rồi, chắc phải bổ máy, hơi lâu, bác có chờ được không? Mà ai như bác Trung - Trung là tên tôi - đúng bác Trung rồi, em là Thắng “xe máy” đây.Ôi ân nhân của em mà hơn chục năm nay mới gặp, bác vào nhà uống nước.

Thắng thay chiếc áo bảo hộ lấm lem dầu mỡ rồi xúc ấm pha trà, giọng vẫn ríu lại vì vui: 

- Chờ sửa xe cũng lâu đấy, hay bác ở lại trưa nay ăn cơm cùng nhà em. Ân nhân của em, ngày ấy bác mà bắt em thì chẳng biết gia đình em có ngày hôm nay?

“Bắt cũng được, không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt” - tôi nhớ lại câu chuyện của Thắng và bảo:

- Ân nhân gì, ông cứ nói quá lên thế, việc bình thường chúng tôi phải làm thôi. Thế ông tưởng cứ thích bắt là bắt à?

- Nhưng việc của em lúc ấy bác có thể bắt cơ mà?

- Thôi bỏ cái chuyện bắt bớ ấy đi, kể cho tôi nghe chuyện sau đó ra sao, vì hết cái đoạn bắt với ông thì tôi cũng chuyển sang công tác khác nên tôi không theo dõi hết.

- Vâng, hôm ấy sau khi được bác khuyên, em lên nộp lại chiếc xe, các anh bên hình sự hỏi em khá nhiều, biết đến đâu em nói đến đấy, sau đó em còn giúp các anh ấy phá một ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe máy. Sau vụ ấy, thấy việc buôn bán ở đây phức tạp, với lại nhớ lời bác bảo rằng cái nghề ấy rủi ro, dễ mang họa nên em bỏ luôn.

Vốn thạo về xe máy và biết sửa chữa nên em vay mượn tiền thuê được căn nhà cấp 4, vợ chồng con cái ra đấy ở và cũng là cửa hàng sửa chữa xe. Việc nhiều, nên thu nhập khá, em mua luôn được căn nhà ấy và xây lên 2 tầng.

Vâng, nhà bác Loan cũng đã xây mới, bố mẹ em đã mất, mấy cô em gái chồng con đuề huề, giờ anh chị em trong nhà quý nhau lắm. Ôi, ngày ấy bác mà bắt em thì nhà em chắc gì có được như ngày hôm nay.

Thắng rưng rưng cảm động, tôi cũng cố giấu nỗi xúc động, chén trà tỏa hương ngào ngạt. Ở ngoài kia là nhộn nhịp cuộc sống khi mùa xuân đang cận kề.

Tác giả Trọng Nghĩa

Lời tòa soạn:

Nghề báo dường như choán hết thời gian, tâm trí hàng ngày của ông. Trong 34 năm công tác tại Báo An ninh Thủ đô, đến nay ông có gần 22 năm giữ cương vị Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung. Dù cuốn theo biết bao sự kiện thời sự diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nhưng ông vẫn dành thời gian để lắng lại, dành tâm trí cho những trang viết.

Tác giả Trọng Nghĩa viết nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại: chính luận, phóng sự, truyện, thơ, tiểu phẩm… Và ở thể loại nào, ông cũng khẳng định đặc sắc riêng, sự tử tế, khiêm nhường và có cả chất công an ở trong đó. Vì trước khi làm báo, ông từng có 6 năm làm cảnh sát khu vực. 

Mà đúng là phải từng làm cảnh sát khu vực như ông thì mới có thể viết ra được những câu chuyện gần gũi, rất đời, rất thật và nhân văn như thế. “Bắt cũng được, không bắt cũng được, thì kiên quyết không bắt" - một phương châm của công tác công an lúc nào cũng nóng hổi, dù đã có rất lâu rồi. Vì phía sau những lệnh bắt là những số phận, những cuộc đời có thể đổi thay và rẽ sang hướng khác…

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn mới nhất của ông: “Kiên quyết không bắt”.