Cấm xe khách giường nằm chạy đường cấp 5, 6 miền núi:

Kiên quyết đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách

ANTĐ - Từ ngày 1-7-2015, theo quy định của Bộ GTVT, xe khách giường nằm 2 tầng không được hoạt động trên những tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, xe được đăng kiểm và được các Sở GTVT cấp phép tham gia vận tải khách tuyến cố định, vì vậy việc cấm hoạt động là không thuyết phục.

Cấm triệt để từ 1-7

Sau vụ TNGT nghiêm trọng của nhà xe Sao Việt tại SaPa (Lào Cai) làm 14 người chết và hơn 30 người khác bị thương (tháng 9-2014), Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, cấm xe khách giường nằm ở một số cung đường đồi núi.

Theo đó, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định, từ ngày 1-7-2015, xe khách giường nằm 2 tầng không được hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi (cấp đường có tiêu chuẩn rộng tối thiểu 6 - 6,5m, có một làn cho xe cơ giới rộng 3,5m, tốc độ thiết kế đường 20-30km/h). Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, Tổng cục sẽ kiên quyết làm để đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách. 

Kiên quyết đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách ảnh 1

Sau vụ  TNGT thảm khốc ở Sa Pa, việc cấm xe khách giường nằm chạy đường đồi núi đã được đưa ra

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, những quy định về việc cấm xe khách giường nằm 2 tầng chạy trên những tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi là để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. “Tỷ lệ xe khách 2 tầng chạy ở tuyến huyện rất ít. Qua rà soát, việc cấm xe khách giường nằm 2 tầng trên những tuyến đường để lên miền núi phía Bắc như TP Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sa Pa không làm ảnh hưởng nhiều đến hành khách cũng như kinh doanh của các hãng vận tải”, ông Lê Hồng Điệp thông tin. Theo giải thích của lãnh đạo Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, những tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi không đủ an toàn để những chiếc xe giường nằm 2 tầng chạy vì đường rất quanh co, đèo dốc nguy hiểm. 

Có nên “cứ tai nạn là cấm”?

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên cho biết, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp vận tải có xe khách giường nằm và các tuyến đường hoạt động đều từ cấp 4 trở lên. Tuy nhiên, có khoảng 30km từ Điện Biên lên cửa khẩu quốc tế Tây Trang (QL 279) là đường cấp 5 miền núi, do vậy, “sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp này, vì chạy từ Hà Nội lên Điện Biên chỉ vướng 30km đường cấp 5 của QL279, mà theo Thông tư 63 thì lại cấm xe khách giường nằm”, ông Nguyễn Quốc Mạnh thông tin.

Dưới góc độ một doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe khách giường nằm, ông Vũ Đức Hoàng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho rằng, việc cấm của Bộ GTVT có phần vô lý. “Doanh nghiệp nhập khẩu xe khách giường nằm, chi phí 3-4 tỷ đồng/chiếc. Được đăng kiểm và được các Sở GTVT cấp phép tham gia vận tải khách tuyến cố định. Vì vậy việc cấm hoạt động là không thuyết phục”. Trong khi đó, TNGT không phải chỉ xảy ra ở các cung đường miền núi, mà đường quốc lộ đồng bằng, cao tốc cũng thường xuyên xảy ra TNGT. “TNGT liên quan đến nhiều yếu tố, như địa hình và chất lượng đường sá, ý thức của người lái xe…. Vì vậy, không thể cứ xảy ra một vài vụ TNGT là lại cấm cản doanh nghiệp”, ông Vũ Đức Hoàng băn khoăn.

Mặc dù đồng tình về việc siết chặt hoạt động của xe khách giường nằm, đặc biệt trên những cung đường đồi núi, địa hình phức tạp, nhưng một số người dân cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì loại hình này mang lại sự tiện lợi. Chị Nguyễn Thái Linh ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy chia sẻ: “Quê tôi ở Sơn La, mỗi lần về quê tôi đều lựa chọn đi xe khách giường nằm vào buổi tối. Ngủ một giấc trên xe sáng hôm sau đã về đến nhà, vừa tiết kiệm thời gian lại không bị mệt vì đi xe đường dài. Nhưng trên một số cung đường hẹp, dốc ở miền núi thì việc cấm xe khách giường nằm cũng nên xem xét”.