“Kiên quyết chống tiêu cực trong giáo dục”

ANTĐ - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. 

- PV: Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào trước những thông tin tiêu cực trong ngành giáo dục (GD) được dư luận nêu?

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi hoan nghênh thông tin báo chí nêu về tiêu cực, sai phạm của ngành GD. Tôi đề nghị phóng viên nhận được những thông tin đó cần đăng ngay, đồng thời phản ánh với trường, cơ quan Bộ. Chỗ nào nhận thông tin mà không xử lý rốt ráo sẽ thông tin tiếp và đưa luôn cả những thông tin nêu cơ quan này, ông bà kia không xử lý thấu đáo, nhằm tạo nên sức ép để cả xã hội đấu tranh với tiêu cực. Tuy nhiên, khi đưa tin, nên cân nhắc thận trọng, đừng nghe một phía và phải kiểm chứng kỹ càng, tránh gây ảnh hưởng đến các em học sinh trong kỳ thi và uy tín của ngành. Chúng ta chống tiêu cực trong GD một cách có trách nhiệm, đảm bảo môi trường thi cử cho các em học sinh. 

- “Chiến lược” đấu tranh chống tiêu cực của ngành hiện nay như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ GD - ĐT kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, không loại trừ cả cơ quan quản lý và thầy cô giáo mắc sai phạm. Kỳ thi tới, lãnh đạo Bộ đã họp và quyết định cho mang phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng thi, nhưng không được phát trực tiếp. Việc làm này nhằm lấy chứng cứ tiêu cực, để xử lý kiên quyết vấn đề này. Hầu hết những tiêu cực trong thi cử phát hiện được đều từ báo chí mà có. Do vậy, không có lý gì không phối hợp với báo chí để phát hiện, xử lý tiêu cực trong GD.

- Thông tin muốn thẩm định kỹ thì cần có nhiều thời gian?

- Không cần phải vội trong xử lý sai phạm, xử lý thông tin về tiêu cực. Nếu đã có chứng cứ, một hai ngày sau xử lý vẫn chưa muộn. Nếu sau một ngày mà không thể xác minh được thông tin xem chính xác hay không, thì phải rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ.

- Bộ trưởng có dự báo được tác động của việc cho phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi?

- Thực tế có thầy cô giáo và cán bộ quản lý, chỉ đạo trông thi cũng vi phạm. Học sinh cũng có thể có những gian lận vi phạm. Nhưng nhiều em tốt, trung thực và đấu tranh thì không có lý gì chúng ta không sử dụng lực lượng này để phát hiện tiêu cực trong thi cử. Từ đây, thầy cô giáo lúc nào cũng cảm thấy bị giám sát từ một chiếc camera vô hình nào đó, nên nhất định sẽ phải nghiêm chỉnh. Có thể xem đây là một sự giám sát đối với lực lượng thực thi công vụ, chứ không phải chỉ có lực lượng thực thi công vụ giám sát học sinh. 

- Bộ trưởng kỳ vọng gì về kỳ thi tới?

- Khi chúng ta đưa ra chính sách đấu tranh chống tiêu cực, những kẻ tiêu cực lại có thủ đoạn khác để đối phó. Do vậy, phải kiên trì, không thể có phương thuốc chữa hết bệnh ngay được. Cần có các giải pháp, theo dõi tình hình thực tế và thấy phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh; chưa phù hợp ở chỗ nào phải điều chỉnh. Trong bối cảnh công nghệ mới phát triển rầm rộ như hiện nay, nếu phát hiện hiện tượng tiêu cực mới phải cập nhật và bổ sung ngay. Chúng ta không chỉ đấu tranh về mặt đạo đức, mà phải đấu tranh cả về công nghệ, kỹ thuật và trách nhiệm.