Kiến nghị trao đặc cách Giải thưởng Nhà nước cho "vua vọng cổ" Viễn Châu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Hội Sân khấu TP.HCM vừa có đơn kiến nghị gửi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Thi đua Khen thưởng, kiến nghị trao đặc cách Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cố soạn giả Viễn Châu, người được mệnh danh là "vua vọng cổ". 


Soạn giả Viễn Châu (1924 - 2016) là cha đẻ của loạt vở tuồng kinh điển như Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Hàn Mặc Tử, Tần Quỳnh Khóc bạn, Kiếp cầm ca...

Một trong những sáng tạo nghệ thuật của Viễn Châu là việc ông lập nên thể loại tân cổ giao duyên, giúp những giai điệu cổ dễ đi vào lòng người hơn.

Nhiều ngôi sao từng thành danh qua các sáng tác của ông như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên... Ông còn là một trong ba danh cầm của làng nhạc cổ truyền miền Nam. Danh tiếng của "tam hùng" danh cầm gồm Năm Cơ - Bảy Bá (Viễn Châu) - Văn Vỹ in đậm trong lòng mộ điệu của giới cổ nhạc từ thập niên 1960.

Soạn giả Viễn Châu (bên trái)

Soạn giả Viễn Châu (bên trái)

Soạn giả Viễn Châu từng được phong tặng danh hiệu Ngệ sĩ nhân dân với tư cách là một danh cầm. Còn ở lĩnh vực sáng tác VHNT, ông chưa được ghi nhận dù có nhiều đóng góp. Với 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản, đến nay, sức ảnh hưởng của ông vẫn to lớn.

Vài năm trước đây, gia đình ông từng làm hồ sơ để xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng không qua được các vòng xét duyệt vì không có vở diễn đi dự hội thi và đoạt huy chương, tác phẩm in thành sách công trình nghiên cứu.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP. HCM cho rằng, sân khấu miền Nam có 2 giai đoạn. Trước năm 1975 có nhiều tác giả đã để lại cho đời nhiều sáng tác tâm huyết. Các tác phẩm của họ vẫn được khán giả ngày nay sử dụng và nhớ tới. Soạn giả Viễn Châu là một người như thế.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào giải thưởng để xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cho các tác giả của sân khấu miền Nam ở giai đoạn trước năm 1975 sẽ gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

"Nếu chỉ dựa vào các tiêu chí trên để để xét duyệt danh hiệu, giải thưởng thì không công bằng bởi cống hiến của tác giả Viễn Châu đã quá rõ ràng", đạo diễn Ngọc Giàu nói.

Với 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản, đến nay, sức ảnh hưởng của soạn giả Viễn Châu rất to lớn.

Với 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản, đến nay, sức ảnh hưởng của soạn giả Viễn Châu rất to lớn.

Do vậy, Hội Sân khấu TP.HCM đã có văn bản kiến nghị gửi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Ban Thi đua Khen thưởng xem xét tới trường hợp của soạn giả Viễn Châu trong lần xét tặng năm nay.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết, bên cạnh trường hợp của soạn giả Viễn Châu, Hội sẽ tiếp tục kiến nghị tới các cơ quan liên quan để giúp nhiều soạn giả khác như Hà Triều-Hoa Phượng, Kiên Giang, Nhị Kiều, Yên Lang... được ghi nhận bởi công lao của họ cho cải lương miền Nam.

Thập niên 1950-1960, thời vàng son của cải lương, họ được gọi là "thầy tuồng" vì ngày ấy không có vai trò của đạo diễn. Họ tạo nên nhiều khuynh hướng sáng tác, góp phần định hình tên tuổi của các nghệ sĩ lớn, các gánh hát cải lương. Sau này, nhiều tác phẩm của họ trở thành chuẩn mực cho soạn giả trẻ viết kịch bản.

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, Hội đã nhận được đơn kiến nghị của Hội Sân khấu TP.HCM về trường hợp của soạn giả Viễn Châu. Tuy nhiên, kết quả ra sao còn phụ thuộc vào quyết định của hội đồng.