Kiến nghị thành lập Quỹ dự phòng thiên tai về cây xanh

ANTD.VN - Lãnh đạo Công ty Cây xanh Hà Nội kiến nghị Hà Nội thành lập quỹ dự phòng thiên tai trong lĩnh vực cây xanh để xử lý sự cố khi có cây gãy, đổ.

Toàn bộ việc trồng cây xanh được cán bộ công nhân viên của Công ty cây xanh trồng vào ban đêm

 Ông Vũ Kiên Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MVT Công viên Cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh) cho hay, vào năm 2015, trung bình mỗi năm, Công ty chỉ trồng được 600 cây xanh.

Nhưng từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, Công ty đã trồng xấp xỉ 200.000 cây xanh/năm, trung bình mỗi ngày trồng 600 cây, trong đó 14.000 là cây bóng mát đô thị với nhiều chủng loại. Tính đến tháng 5/2017, Công ty đã thực hiện trồng xấp xỉ 20.000 bóng mát đô thị với nhiều chủng loại như cây Sang, Sấu, Lộc vừng, Ban, Ban Tây Bắc Sơn La, Bàng Đài Loan, Chiêu Liêu, Long não, Cọ dầu, Chà Là...

Trong khi đó, công việc trồng cây phải làm về ban đêm để đảm bảo giao thông, mỹ quanđô thị. Để làm được khối lượng công việc khổng lồ này, ông Trung cho rằng, cán bộ công nhân viên của Công ty phải làm căng mình làm việc rất vất vả, hầu hết 4-5h sáng mới được trở về nhà. Bản thân ông thì 5/7 ngày ngủ tại Công ty.

Trung bình mỗi đêm, Công ty Cây xanh trồng mới 600 cây

Do được áp dụng công nghệ hiện đại, nên tỷ lệ cây trồng sống hiện lên tới 95%. "Chúng tôi yêu quý cây như những đứa trẻ, cố gắng chăm bón cho cây để mang lại màu xanh cho thành phố.

Chúng tôi là những người đi trồng cây, không ai mong muốn trồng xong cây bị chết. Bởi chúng tôi chỉ là đơn vị thực hiện, các sở ngành liên quan thẩm định và đồng ý về giá cây, duyệt chi và Công ty Cây xanh chỉ được thanh toán khi trồng cây đó sống, dù có trồng lại 10 lần, 10 cây 1 hố thì chúng tôi cũng chỉ được thanh toán 1 lần", ông Trung chia sẻ.

Theo mục tiêu của thành phố Hà Nội, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh trên địa bàn với mục tiêu "vườn trong thành phố, thành phố trong vườn", nâng mức phủ cây xanh từ 7,8m2/người lên 9-10m2/người.

Nhiều tuyến phố sau khi được cải tạo, trồng bổ sung và trồng thay thế, cây xanh đô thị đã trở thành một bộ phận trang trí đường phố được cán bộ và nhân dân thủ đô đánh giá cao như phố: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Đường Thanh Niên, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, khu vực tường đài Lê Nin, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, trục đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Văn Cao, Liễu Giai, Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Phong Sắc, Trần Thái Tông, Dương Đình Nghệ...

Kiến nghị lập Quỹ dự phòng thiên tai về cây xanh

Hiện nay, Hà Nội vẫn chưa có Quỹ dự phòng thiên tai trong lĩnh vực cây xanh để xử lý khi gặp sự cố như cây gãy, đổ.

Công ty Cây xanh kiến nghị Hà Nội lập Quỹ dự phòng thiên tai về cây xanh 

Tổng Giám đốc Công ty Cây xanh bày tỏ, trước kia, do việc cắt tỉa hoàn toàn thực hiện bằng máy móc nên rất vất vả và tỷ lệ rủi ro tai nạn lao động cao. Mỗi năm trung bình Công ty có 2-3 cán bộ công nhân viên gặp tai nạn lao động trong lúc trèo cây để cắt tỉa, thậm chí là tử vong.

Tuy nhiên, khi được lãnh đạo thành phố quan tâm, trang bị máy móc hiện đại thì tình trạng này không xảy ra nữa.

Việc tận dụng máy móc cũng giúp công tác chăm sóc cây xanh được thực hiện thường xuyên trong cả năm, giúp giảm thiểu tình trạng cây gãy đổ. Hơn nữa, nhờ công nghệ hiện đại cùng với việc học hỏi từ nước ngoài nên cây xanh hiện nay được cắt tỉa theo công nghệ 3D, tạo nét thẩm mỹ.

Và đến nay, người đứng đầu ngành cây xanh Hà Nội vẫn trăn trở về những vụ cây đổ gây thiệt hại về người tại Thủ đô vào những mùa mưa bão trước đây để thấy tầm quan trọng của việc cắt tỉa cây thường xuyên.

Kiến nghị thành lập Quỹ dự phòng thiên tai về cây xanh ảnh 4

Hàng Phượng Vĩ ở Xã Đàn sau 1 năm trồng đã vươn đẹp đẽ, cho bóng mát và phủ xanh

"Khi còn làm Phó giám đốc Công ty, chứng kiến cảnh tài xế taxi bị tai nạn do xà cừ gãy đổ, tôi vô cùng đau xót, bị ám ảnh nhiều ngày”, ông Trung nói và cho rằng, sự việc xảy ra không chỉ khiến gia đình nạn nhân mà tất cả cán bộ, công ty cùng người dân đều đau xót.

Theo ông Trung, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến việc cây xanh gãy đổ nhưng khi xảy ra sự việc, nhiều người mặc định rằng đó là trách nhiệm của Công ty Cây xanh, dù thực tế công ty chỉ phụ trách về việc cắt tỉa cây chứ không phụ trách quản lý hay sở hữu cây xanh.

Ông Trung cho biết thêm, mặc dù đơn vị không quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn thành phố và dù cán bộ, công nhân của công ty đã gắng hết sức mình, nỗ lực không mệt mỏi song vẫn không được ghi nhận đúng đắn.

Cũng trăn trở về việc cây xanh gãy đổ, ông Trung cho hay, nhiều năm nay đơn vị đã kiến nghị thành phố trích 2% kinh phí cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố để thành lập Quỹ dự phòng thiên tai trong lĩnh vực cây xanh để mua bảo hiểm, hỗ trợ người bị nạn do cây đổ nhưng chưa được phê duyệt.

“Trong nhiều vụ tai nạn, cây đổ do thời tiết, cán bộ, công nhân viên của công ty phải bỏ tiền lương ra làm quỹ từ thiện, nhân ái để ủng hộ người bị nạn”, ông Trung tâm sự, đồng thời chia sẻ thêm: "Hệ thống cây xanh trên địa bàn Hà Nội đã bị xâm hại nặng nề, nhiều cây xanh gần như không còn bộ rễ qua các lần đào, làm đường, hạ tầng nên dễ gãy, đổ khi gặp mưa bão. 

"Bằng mắt thường chúng tôi cũng không thể biết cây nào bộ rễ còn nguyên vẹn, cây nào bộ rễ bị xâm hại nghiêm trọng. Mỗi khi mưa, bão đến, chúng tôi  lại căng mình phục vụ nhân dân Thủ đô".