Kiến nghị giảm phí công đoàn từ 2% xuống còn tối đa 1%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giảm kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% thay vì mức 2% như hiện tại.
Các hiệp hội kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1%
Các hiệp hội kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1%

Các hiệp hội, ngành hàng gồm dệt may, da giày túi xách, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, điện tử, lương thực - thực phẩm, chè, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... kiến nghị về dự thảo của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13.

Cụ thể, văn bản góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi của 8 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

Lý giải đề xuất của mình, các hiệp hội đưa ra lập luận: Luật Ngân sách nhà nước quy định ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, do vậy, kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Luật Công đoàn lại yêu cầu người sử dụng lao động đóng kinh phí công đoàn. Do vậy, nếu Luật Công đoàn cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền thu và nắm giữ kinh phí công đoàn là tạo ra một mâu thuẫn.

Các hiệp hội cũng cho rằng, thông qua phí công đoàn, doanh nghiệp đang chịu thuế hai lần khi doanh nghiệp đã gián tiếp đóng kinh phí công đoàn thông qua ngân sách khi đóng thuế. Việc trích nộp thêm 2% kinh phí công đoàn đồng nghĩa đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các hiệp hội các doanh nghiệp cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội đã có rất nhiều thay đổi, các mức lương tối thiểu vùng đã tăng lên nhiều lần và quy mô lao động tại các doanh nghiệp đã tăng lên, khiến cho quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) trở nên rất lớn và tiếp tục phình to khi lương tối thiểu tiếp tục tăng trong các năm tới, vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn 2% xuống mức phù hợp.

Từ những lý giải trên, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Luật Công đoàn cần sửa đổi và quy định mức nộp kinh phí tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chính phủ có quyền quyết định tỷ lệ đóng này theo từng thời kỳ, tuỳ theo tình hình kinh tế xã hội. Cách thức quy định này đã từng được áp dụng trong một số luật, ví dụ quy định về tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.