- Hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam bị hủy thầu được xử lý ra sao?
- Thêm một dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam hơn 6.300 tỷ đồng bị hủy thầu
- Thành bại của dự án cao tốc Bắc- Nam phụ thuộc vào thị trường
Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Theo dự thảo, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có 6 dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) và 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).
Đến nay, cả 6 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công đều đã được triển khai xây dựng.
Bộ GTVT vừa chính thức kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam không tìm được nhà đầu tư |
Đối với 5 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, trải qua hơn một năm tổ chức sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (cả đấu thầu quốc tế và trong nước) từ tháng 5/2019 đến nay có 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và đang được bên mời thầu đánh giá về đề xuất tài chính - thương mại.
Dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020. Còn lại, 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư sau đấu thầu gồm QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
Tại dự báo báo cáo của Chính phủ, Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với hai dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không chọn được nhà đầu tư hiện nay rất cấp thiết. Bởi, khi chuyển sang đầu tư công, hai dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nếu thực hiện điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đầu tư PPP sẽ kéo dài thời gian thêm tối thiểu khoảng 10 tháng, nhưng cũng không thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.
Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai, sẽ không thể xác định được thời gian hoàn thành dự án và không thể giải ngân phần vốn góp của Nhà nước cho các dự án trong năm 2021.
Về lâu dài, khi chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với 2 dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ, kết nối liên tục với các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang triển khai xây đựng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn Nhà nước. Dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.
“Đến thời điểm hiện nay, kết quả đấu thầu hai dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Căn cứ các quy định nêu trên, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư”, dự thảo báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu có chiều dài 50km, tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng.