Kiến nghị Chính phủ giải quyết chồng chéo quản lý dạy nghề

ANTĐ - Bộ GD-ĐT vừa có tờ trình Chính phủ kiến nghị về việc chồng chéo trong công tác quản lý đào tạo nghề hiện nay gây mất kiểm soát chất lượng đào tạo, cồng kềnh bộ máy biên chế…

Theo tờ trình, việc song song quản lý giáo dục và đào tạo giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT với hoạt động dạy nghề đã gây ra những bất cập về quản lý. Việc hình thành hai cơ quan quản lý nhà nước đầu mối ở trung ương dẫn đến tăng đầu mối quản lý ở cấp địa phương lên 63 phòng Quản lý dạy nghề thuộc sở LĐ-TB&XH, trong khi các sở GD-ĐT đều có phòng giáo dục chuyên nghiệp làm cả nhiệm vụ quản lý giáo dục đại học địa phương.

Đặc biệt, ở Trung ương, Tổng cục Dạy nghề cũng có các vụ tương tự như các vụ của Bộ GD-ĐT mà không có liên hệ chặt chẽ với các vụ của Bộ LĐ-TB&XH như: Vụ Học sinh sinh viên, Vụ Dạy nghề chính quy, Vụ Dạy nghề thường xuyên, Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng dạy nghề, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Cơ sở vật chất dạy nghề, Vụ Pháp chế - Thanh tra, Văn phòng… làm tăng biên chế.

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt bất cập do chồng chéo quản lý dạy nghề

Một hệ quả nữa là một số trường đại học do Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước tổ chức đào tạo nghề với quy mô lớn lên đến 6-7 nghìn người nhưng do ngành lao động quản lý chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT không thể can thiệp vào được để kiểm soát chất lượng thông qua kiểm soát quy mô đào tạo.

Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ xem xét giao cho Bộ thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật giáo dục bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, trong đó có trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện đang do Bộ LĐ-TB&XH quản lý