Kiến nghị Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét đề xuất bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Ông Lê Hoàng Minh (ảnh), Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Kiến nghị Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy  ảnh 1
- Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo xem xét đề xuất dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương ra sao, thưa ông?

- Ông Lê Hoàng Minh: Chúng tôi đã nhận được phản hồi của 32 địa phương, trong đó 2 địa phương đề nghị dừng thu phí là Đồng Nai và Bà Rịa -Vũng Tàu. 

Trong khi đó, một số địa phương kiến nghị tiếp tục thu vì nguồn này sẽ góp phần bảo trì hệ thống đường bộ địa phương. Hiện, nguồn vốn địa phương dành cho việc bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu. Ngoài ra, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Hà Nội đều bày tỏ không muốn thu phí này. 

- Thưa ông, vì sao việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy lại không nhận được sự đồng thuận của nhiều  địa phương?

- Thực tế, việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là chế tài chưa đủ mạnh và chưa rõ ràng nên có hiện tượng người nộp, người không nộp dẫn đến không công bằng. Bên cạnh đó, mỗi địa phương ban hành một loại phiếu thu khác nhau gây khó khăn cho người nộp, người dân không biết phải cầm những giấy tờ gì khi ra đường. Mô hình thu của các địa phương chưa đồng bộ, có nơi giao cho phường, xã có nơi giao cho tổ dân phố, thôn. Có khi, bản thân những người đi thu phí cũng không nắm đầy chủ chủ trương, chính sách  nên người dân không nộp.

Vừa rồi, vì nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội và người dân không ủng hộ tiếp tục thu phí nên Hội đồng Quỹ đã họp, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này về việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. 

- Vậy những người đã nộp phí có được hoàn trả không, thưa ông?

- Phí xe máy không thu về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương mà các địa phương tự thu và tự chi. Hiện tại, còn chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp dừng thu thì việc này sẽ thuộc trách nhiệm của địa phương, sau đó Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cũng như Bộ GTVT sẽ có ý kiến để người nộp phí và cơ quan Nhà nước có sự đồng thuận, đảm bảo công bằng cho người dân.

- Ông có cho rằng, hiện người dân đang phải gánh nhiều loại phí, trong đó có phí giao thông?

- Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi ủng hộ việc giảm phí càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, nước ta còn nghèo nên việc thu thuế, phí của người dân để đóng góp cho ngân sách cũng là sự tính toán kỹ của các cơ quan Nhà nước. Nhưng không phải vì thế mà thu bằng được tiền của người dân. Đối với việc thu phí sử dụng đường bộ, nếu tiếp tục thu sẽ phải thay đổi nhiều. Nếu chính sách chưa đi vào cuộc sống, chưa được sự đồng thuận của người dân thì cần nghiên cứu điều chỉnh, thậm chí là dừng lại. 

- Nhu cầu kinh phí dành cho bảo trì đường bộ hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Một năm, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phải bảo trì 18.000km đường quốc lộ với kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Nếu không tính phí với xe máy, mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ đồng từ thu phí ô tô, 3.000 tỷ đồng cấp bù từ ngân  sách Nhà nước. Như vậy mới đáp ứng được 30-40% nhu cầu. 

Còn tại các địa phương, mỗi năm có khoảng 300.000km đường từ cấp tỉnh trở xuống cần bảo trì, nhu cầu lớn nhưng kinh phí cũng chỉ đáp ứng khoảng 30-40%/năm. Nếu dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thì địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm bảo trì thường xuyên, đảm bảo an toàn cho người dân, ngân sách tỉnh phải bỏ ra để sửa chữa.

Khi thành lập, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm với xe máy, nhưng năm 2013 chỉ thu được 520 tỷ đồng, năm 2014 thu khoảng hơn 500 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2015 mới thu được 180 tỷ đồng.