Kiên cường “vượt bão”

ANTĐ - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, với sự tự tin, tài trí cũng như kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp đã kiên cường đối mặt và vượt qua “cơn bão” suy thoái.

Đứng trước cơn bão suy thoái, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm được hướng đi đúng đắn

Le lói những tia sáng

Nhận định về tình hình kinh tế năm 2012, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Nếu nhìn vào chỉ số kinh tế vĩ mô hoặc theo đánh giá của một số định chế tài chính quốc tế thì hiện nay Việt Nam đang có những tia sáng, như lạm phát giảm, thâm hụt ngân sách giảm, thâm hụt thương mại, cán cân vãng lai giảm, dự trữ ngoại tệ tăng chút ít. Và lần đầu tiên, sau hai năm, cán cân thanh toán Việt Nam thặng dư vài tỷ USD”.

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn được chỉ rõ, đó là tình hình nhiều doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa. Cùng với đó, nhiều ngân hàng, định chế tài chính đang phải đối mặt với những khó khăn như thanh khoản, nợ xấu.

Một trong những vấn đề lớn mà doanh nghiệp và người dân quan tâm hiện nay là khả năng giảm lãi suất. Theo ông Thành, nếu không có cú sốc quá lớn từ bên ngoài thì có thể hy vọng lãi suất có thể hạ vào cuối quý II. Thứ hai là tỷ giá, có thể chắc chắn sẽ không có cú sốc như năm 2011, có thể có điều chỉnh nhưng không quá 3 - 4%. Mặc dù áp lực tỷ giá hiện nay vẫn có nhưng nhẹ hơn rất nhiều so với năm 2011. Đây là yếu tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Các chính sách đang cố gắng hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp biết sống với những cú sốc, biết liên kết và quản trị rủi ro tốt hơn thì đây sẽ là cơ hội tốt”, ông Thành nhận định.

Còn theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2012 sẽ tiếp tục khó khăn, cả trong nước cũng như thế giới. Có thể phải sang đến quý II mới định hình được phần nào tình hình kinh tế, lạm phát giảm sâu hơn thì lãi suất mới giảm thêm, doanh nghiệp mới dễ thở hơn trên một nền vĩ mô tốt hơn.

Tận dụng cơ hội, vượt thách thức

Ông Diệp Khang Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Capital Land - một công ty kinh doanh bất động sản lớn đến từ Singapore cho rằng: “Trong thách thức luôn có các cơ hội. Tại các thị trường mới nổi hiện nay, bất động sản thường chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng GDP của toàn quốc, khoảng trên 50%. Nhưng ở Việt Nam tỷ trọng này chỉ khoảng 17%, do đó chúng tôi nhận thấy lĩnh vực bất động sản vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển”.

Cũng chung quan điểm, ông Cheong Ho Kuan, Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam cho biết: “Thực tế chúng tôi đã đối mặt với khủng hoảng kinh tế từ những năm trước đây, doanh nghiệp nào không có tiềm lực thực sự sẽ không tồn tại được. Và hiện nay, chúng tôi cũng chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, song vẫn nhìn thấy cơ hội lâu dài tại Việt Nam, cho dù đây là một thị trường cạnh tranh và đầy thách thức”.

Việc hướng tới mục tiêu dài hạn cũng là một trong những kinh nghiệm mà các doanh nghiệp trong nước nắm bắt được. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền -  Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: “Tôi thấy năm 2011 khó khăn nhiều và khó hơn cả năm 2008, nhưng đến năm 2012, cảm nhận của tôi là còn khó khăn hơn. Thực tế các doanh nghiệp dệt may thường xuyên phải chống bão như ở miền Trung. Áp lực lớn nhất là chi phí nhân công, nếu như khủng hoảng xảy ra thì động thái đầu tiên của các doanh nghiệp khác là cắt giảm nhân công, nhưng chúng tôi lại nhìn nhận theo một chiều hướng khác. Đó là phải giữ được công nhân của mình, để khi “cơn bão” đi qua người lao động lại cùng chung sức với mình”.

Bà Huyền cho rằng: “Kinh nghiệm quan trọng nhất là nói thì phải làm. Đơn cử như việc tiết kiệm, phải cương quyết tiết kiệm từ tổng giám đốc cho đến người công nhân. Với số lượng người lao động lớn, nếu mỗi người chỉ tiết kiệm được cho công ty 1.000 đồng mỗi ngày thì tính ra toàn công ty trong 1 năm sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn”.

“Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu tổ chức sản xuất để có năng suất cao, chất lượng phải tốt, hay quản trị sản xuất, đơn hàng tốt… đó cũng là góp phần làm giảm chi phí. Và việc tăng giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh chính là sự nghiên cứu, đúc kết, sáng tạo. Điều đó sẽ làm giảm chi phí và tăng hiệu quả”, bà Huyền nói.

Còn ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, thay vì đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng, Vissan đã chuyển sang chiến lược tồn tại, không mở rộng sản xuất mà tập trung đảm bảo nguồn vốn, đồng thời giữ nguồn nguyên liệu tồn kho vừa đủ nếu không chi phí sẽ rất lớn. Quan trọng hơn, Vissan đã thành công trong việc khép kín mô hình giữa nông dân - nhà máy - người tiêu thụ, qua đó giúp chủ động được nguồn nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế sự tác động của giá cả thị trường.