Kiểm tra thực phẩm Tết: Không chấp nhận "khoán trắng", "trên nóng, dưới lạnh"

ANTD.VN - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong dịp cao điểm sát Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở kiểm nghiệm phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn kiểm tra gửi về và công bố sớm.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong trả lời báo chí chiều 12-1

Chiều nay, 12-1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP đã thông tin tới báo chí về công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và dịp lễ hội đầu xuân 2018.

- Thời điểm này, thị trường thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán đã bắt đầu sôi động. Ông dự báo thế nào về nhu cầu tiêu dùng thực phẩm Tết Nguyên đán năm nay và nguy cơ mất ATTP trong dịp này?

 - Ở nước ta hiện vẫn phổ biến khái niệm “ăn Tết”, thực tế thì lượng thực phẩm sử dụng trong thời gian này rất lớn, có sự gia tăng đột biến. Dịp Tết nguyên đán này, chúng tôi dự báo nhiều loại thực phẩm sẽ có nhu cầu tiêu dùng tăng tới 10 lần so với ngày thường như bánh kẹo, bia rượu nước giải khát...

Lượng tiêu thụ tăng khiến việc kiểm soát khó khăn hơn, các mặt hàng thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng trà trộn để tuồn ra thị trường cũng nhiều hơn, kéo theo nguy cơ mất ATTP rất lớn. Cùng đó, thời tiết mưa ẩm trong dịp đông xuân này cũng khiến thực phẩm rất nhanh bị ẩm mốc, hư hỏng.

Do vậy, để đảm bảo ATTP dịp Tết nguyên đán và lễ hội đầu xuân 2018, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ thực phẩm quá nhiều. Đừng coi tủ lạnh là một "bảo bối" vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, cần hạn chế bia rượu, không lạm dụng rượu bia và tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ…

- Công tác đảm bảo ATTP Tết nguyên đán Mậu Tuất đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị 09 về đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, trong đó chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP  tại các tỉnh/ thành trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP Trung ương đã thành lập 6 đoàn, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh/ thành trong dịp tết này. Dự kiến ngay đầu tuần tới, các đoàn kiểm tra do Bộ Y tế chủ trì sẽ ra quân tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở.

Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP Tết năm nay là các đoàn thanh kiểm tra của Trung ương chủ yếu đôn đốc, thanh kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương chứ không làm thay địa phương. Nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ có hình thức xử lý, không để “trên nóng dưới lạnh”.

Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết như bia rượu, bánh kẹo… Đặc biệt, sẽ kết hợp lấy mẫu test nhanh tại chỗ để cho kết quả ban đầu và có thể công bố ngay để xử lý sai phạm.

Với các mẫu cần kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm cũng phải ưu tiên làm sớm và trả lời kết quả nhanh để cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở kiểm nghiệm dịp này phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn gửi đến để có kết quả sớm, tuyệt đối không được để qua Tết rồi mới công bố kết quả.

Cùng đó, vấn đề phụ gia thực phẩm cũng sẽ được tăng cường kiểm tra trong đợt này. Việc kiểm tra phụ gia thực phẩm sẽ tập trung vào các nội dung: có nằm trong danh mục hay không?, quá nồng độ không?, đúng chủng loại thực phẩm không? và có đảm bảo độ tinh khiết không?. Nếu vi phạm những chỉ tiêu đó thì mới phải xử lý chứ không phải cứ sản phẩm dùng phụ gia là nghiễm nhiên độc hại.

Các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường lấy mẫu thực phẩm làm test nhanh tại chỗ

- Nhiều ý kiến cho rằng không ít địa phương vẫn thờ ơ với công tác đảm bảo ATTP, ý kiến của ông?

- Thực tế, nhiều địa phương vẫn "khoán trắng" công tác thanh tra, kiểm tra ATTP cho cơ quan y tế. Thực tiễn cho thấy, nếu không có sự phối hợp liên ngành, nhất là các đoàn kiểm tra không có sự tham gia cùng của cơ quan công an thì hiệu quả kiểm tra không cao.

Mặt khác, việc phát hiện sai phạm và xử lý các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cũng gặp không ít khó khăn. Có cơ sở khi đoàn thanh, kiểm tra đến thì đóng cửa, kiên quyết không tiếp. Có cơ sở đăng ký sản xuất một nơi nhưng thực tế lại chuyển địa điểm sản xuất đến một nơi khác, đoàn kiểm tra rất khó khăn khi tiếp cận. Có cơ sở công bố sản xuất ở địa điểm này nhưng khi đoàn kiểm tra đến thì trụ sở đó lại là cửa hàng cắt tóc gội đầu…

- Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét ban hành quy định mới về cấp phép công bố thực phẩm, cắt giảm thủ tục thanh kiểm tra chuyên ngành... Vậy làm thế nào để quản lý ATTP vẫn đạt hiệu quả?

- Nghị định 38 sửa đổi nếu được Chính phủ ban hành tới đây sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý ATTP, không chỉ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế mà tất cả các ngành, cơ quan chuyên ngành liên quan. Nghị định này thực sự tạo ra một hành lang pháp lý hết sức thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đảm bảo ATTP thì vấn đề quản lý vẫn phải được siết chặt theo hướng “thông thoáng đầu vào, chặt chẽ đầu ra”, tức hâu hậu kiểm, xử phạt sẽ được tăng cường.

Do vậy, cùng với việc triển khai Nghị định 38 trong thời gian tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 178 theo hướng tăng mức xử phạt rất nặng với hành vi vi phạm về ATTP. Cùng đó sẽ bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung, rút giấy phép, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hà Nội: Mở rộng thí điểm kiểm soát ATTP nơi tổ chức cỗ bàn

Ngày 12-1, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội thảo đánh giá thí điểm mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại cộng đồng năm 2017. Theo đánh giá của Chi cục ATVSTP Hà Nội, việc thí điểm triển khai mô hình tại 4 quận, huyện (Long Biên, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai) còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, các bữa cỗ hầu hết do gia đình tự nấu nên chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, chưa ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, trong năm qua, 34 tổ tư vấn của thành phố đã giám sát 4.516 bữa cỗ, vận động các gia đình ký cam kết bảo đảm ATTP. Qua xét nghiệm nhanh, có 93,2% mẫu thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, trên 85% bữa cỗ tập trung chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình này tại 30 xã thuộc 4 quận, huyện trên và nhân rộng thêm 6 huyện khác, bảo đảm 100% bữa cỗ tập trung đông người tại các xã triển khai được kiểm soát ATTP.