Kiểm tra đến "ngạt thở" nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan

ANTD.VN - Bình luận về số lượng các cuộc kiểm tra hàng hóa dày đặc được nêu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" diễn ra sáng nay (23-8), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông cho rằng, nghịch lý ở Việt Nam là kiểm tra đến "ngạt thở" nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan.

Hàng giả hàng nhái tràn lan giết chết cộng đồng doanh nghiệp

Theo phản ánh mới đây của doanh nghiệp, để đưa được sản phẩm Chocolate ra thị trường, doanh nghiệp cần tất cả 13 loại giấy phép.

Với các mặt hàng khác, tính trung bình, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra 2-3 lần trước chiếm 58% tổng số hàng được kiểm tra trước thông quan.

Bình luận về con số này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho hay: "Tôi rất ấn tượng với con số này. 

Mức độ kiểm soát hàng hóa tại Việt Nam rất chặt chẽ, nhưng thực tế không có nước nào hàng giả, hàng nhái lại phổ biến như Việt Nam. Người nuôi gà đàng hoàng mang quả trứng ra thị trường cực kỳ khó khăn, còn trứng từ Trung Quốc vào thị trường nước ta lại rất dễ dãi. Câu chuyên quan trọng ở đây là quản lý giúp ai phát triển và bóp ai?".

Theo ông Đặng Huy Đông, các nước trên thế giới đều đặt ra chất lượng hàng hóa rất cao, kiểm soát chặt chẽ và tinh vi. Tuy nhiên, chính sách quản lý của họ giúp doanh nghiệp ở quốc gia đó phát triển, doanh nghiệp nước ngoài vào không đơn giản. 

"Nhưng ở ta thì ngược lại, ông nào cũng kêu ngạt thở. Doanh nghiệp tưởng chúng ta kiểm chặt nhưng ngày ai cũng phát sợ vì hàng lậu, hàng độc hại tràn lan. Từ đó lại kích cầu cho hàng nhập khẩu. Ta đang nhập khẩu nông sản tới 600-700 triệu USD. Cá nhân tôi nghĩ chữ tín về vệ sinh an toàn thực phẩm tốt lên. Đạo đức kinh doanh yếu kém đang tự giết cộng đồng doanh nhân"- Thứ trưởng Bộ KH-ĐT thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm này, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Ngô Văn Điểm thừa nhận vẫn còn tình trạng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chưa đúng hoặc xộc xệch, hàng giả, hàng nhái tràn lan.

Ông Ngô Văn Kiểm cho rằng: "Đây cũng là minh chứng cho hoạt động thị trường chưa đầy đủ, trong đó có sự buông lỏng của quản lý Nhà nước, tôi muốn nói đến đến hậu kiểm. Tiền kiểm chặt nhưng hậu kiểm không giải thích được, có thể là "thỏa thuận ngầm".

Thủ tục kiểm tra nhiều, phức tạp, chồng chéo được cho là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa khó cạnh tranh. Vì vậy, để đội ngũ này phát triển mạnh mẽ hơn, cần phải giảm chi phí, thủ tục.

Theo ông Phan Đức Hiếu- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có 1/3 đến 1/2 các điều kiện kinh doanh hiện hành có thể cắt bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.