Kiểm toán phát hiện sai phạm tài chính, tài sản công trên 101.000 tỷ đồng

ANTĐ - Trong 5 năm 2011-2015, qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền lên tới 101.037 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng qua kiểm toán rất hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa cao. 

Sáng nay, 24-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, bình quân hàng năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. 

Kết quả trong 5 năm (2011-2015), Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán nhà nước (184.486 tỷ đồng), trong đó 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước tăng cao gần hai lần so với các năm trước...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải rõ kiểm toán đem lại lợi ích gì
cho quốc kế dân sinh?

Thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, với vị thế là cơ quan chuyên môn kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán nhà nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Dù vậy, một số trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán chưa phù hợp với thực tế, còn chồng chéo. Quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm...

Ngoài ra, chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước hàng năm chưa cao, một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán. Cụ thể, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính theo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 là 69,1%, năm 2011 là 71,6%, năm 2012 là 65%, năm 2013 là 63,1%;

Góp ý vào vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ quan ngại về tình trạng quản lý công của các cơ quan nhà nước hiện nay khi số tiền bị Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý rất cao trong 5 năm qua và cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý bình luận ở khía cạnh tuy có nhiều vi phạm được Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nhưng lại chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật, cả ở Trung ương và địa phương.

Một tồn tại khác là việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán còn hạn chế. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trăn trở: “Ở các nước, 80-90% vụ việc tham nhũng; vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng được phát hiện là nhờ kiểm toán, song ở ta thì ngược lại, hầu hết là do nội bộ mâu thuẫn, báo chí… phản ánh”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đối tượng của kiểm toán là tài chính, tài sản công của quốc gia. Do vậy cần đánh giá khái quát xem 5 năm qua hoạt động kiểm toán đã đem lại lợi ích gì cho quốc kế dân sinh thế nào, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.