Kiểm toán Nhà nước than vướng cơ chế, chính sách trong hoạt động kiểm toán

ANTD.VN - Trong khi tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí, trốn thuế, chuyển giá… chưa được đẩy lui thì hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước vẫn gặp nhiều rào cản.

Đây là vấn đề được nêu lên tại hội thảo "Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" tổ chức sáng nay 11/4.

Có “quyền lực, lợi ích nhóm” tác động đến hoạt động kiểm toán

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Đức Vinh cho rằng, những năm qua, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm.

Đó là các lĩnh vực trọng yếu, dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại...

Tới nay, qua thanh tra, KTNN đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000 ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo KTNN, việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời.

Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế.

Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo.

Kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế còn do quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giáp, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI cho rằng, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán vẫn còn một số vướng mắc.

Trong đó, Luật Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa quy định cho phép KTNN được kiểm toán trực tiếp các đơn vị, tổ chức có nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng còn nhiều rào cản trong việc kiểm toán, phát hiện tham nhũng, lãng phí

Trong khi đó, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III thì lại đặt dấu hỏi liệu “có nhóm quyền lực, lợi ích nhóm nào” tác động tới hoạt động của KTNN.

“Thời gian vừa qua, KTNN đã góp phần phát hiện, chuyển các cơ quan chức năng xử lý nhiều vi phạm. Thế nhưng có một số ý kiến yêu cầu KTNN dừng lại” – ông nói.

Ngoài việc chịu những tác động từ bên ngoài, ông Thăng còn cho biết thường xuyên có những “tin đồn nhảm” về kiểm toán viên của KTNN.

“Khi kiểm toán viên làm nghiêm tại một đơn vị nào đó thì nhận được phản hồi là kiểm toán viên nhũng nhiễu nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại không hề có chuyện đó” – ông Thăng cho hay.

KTNN cần thêm “cây gậy”

Đưa ra giải pháp, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN cho rằng, một trong những việc cần làm là xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015.

Theo ông, cần quy định cụ thể, đầy đủ đơn vị được kiểm toán cũng như tăng cường các quy định về trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Đây cũng là vấn đề được ông Đặng Thế Bình, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực X đưa ra.

Theo ông Bình, hiện chỉ có 3 căn cứ để Tổng KTNN ban hành quyết định kiểm toán, đó là: Kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN; Yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đề nghị của cơ quan, tổ chức được Tổng KTNN chấp nhận.

Điều này đồng nghĩa căn cứ ban hành quyết định kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa được đưa vào Luật KTNN. Vì vậy, ông đề xuất bổ sung quy định này vào Luật KTNN.

Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì cho rằng, việc tăng cường vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng cần đưa vào Luật KTNN với mức độ cao hơn. Trong đó, cần có quy định cụ thể mối quan hệ hợp tác giữa KTNN với cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ.