Kiểm toán Nhà nước chỉ ra "lỗ hổng" khiến ngân sách thất thoát nghìn tỷ thuế xăng dầu

ANTD.VN - Người tiêu dùng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng theo giá bán lẻ nhưng thực tế thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ được nộp vào ngân sách nhà nước theo giá bán buôn. Điều này khiến ngân sách thất thu cả nghìn tỷ mỗi năm.

Trong một tham luận gửi đến hội thảo về quản lý thuế vừa diễn ra, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI cho biết, hiện trong công tác quản lý thuế còn có điểm chưa đồng bộ giữa các văn bản điều hành của các Bộ, ngành quản lý với Nghị định của Chính phủ, dẫn đến làm giảm nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước về thuế của các doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu (đầu mối) bán ra.

Tuy nhiên, thực tế mức thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu cơ cấu trong giá cơ sở do Bộ Công Thương tính toán và ban hành từng kỳ cụ thể kể từ ngày 19/8/2016 lại được xác định theo giá bán lẻ.

Còn nhiều bất cập trong tính thuế xăng dầu

Vấn đề trên dẫn đến thực trạng người tiêu dùng đóng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng theo giá bán lẻ khi mua xăng của các đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ… nhưng thực tế thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ được đóng vào ngân sách nhà nước theo giá bán buôn (giá đầu mối bán cho các đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ).

Như vậy, phần thuế tiêu thụ đặc biệt chênh lệch giữa 2 phương pháp tính (tương ứng với chênh lệch giá bán buôn và giá bán lẻ) chưa được nộp vào ngân sách nhà nước.

Còn đối với thuế nhập khẩu, đại diện phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng giá xăng dầu được quản lý điều hành thông qua giá cơ sở do Liên Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương) công bố.

Căn cứ trên giá cơ sở, các thương nhân đầu mối sẽ quyết định giá bán lẻ xăng dầu của mình. Thuế suất thuế nhập khẩu là một yếu tố cấu thành trong công thức tính giá cơ sở.

Khi đơn vị được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì thuế suất thuế nhập khẩu thực tế áp dụng tại các doanh nghiệp đầu mối thấp hơn thuế suất nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở của Liên Bộ, đặc biệt đối với dầu DO có C/O form D và xăng có C/O form KV được hưởng ưu đãi thuế suất theo hiệp định thương mại hàng hóa.

Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn giá cơ sở do Liên Bộ điều hành để tạo nên một khoản thặng dư cho các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu.

“Chỉ trong giai đoạn 2015-2016, khoản thặng dư từ chênh lệch thuế nhập khẩu khác nhau này có giá trị là 4.809 tỷ đồng” – ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.