Kiểm toán nhà nước cần hoạt động độc lập

ANTĐ - Một trong những điểm mới và nhận được sự đồng tình cao từ các ĐBQH trong phiên thảo luận sửa đổi Hiến pháp 1992 cuối tuần qua chính là sự cần thiết có các chế định độc lập, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước (KTNN). 

TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề  này.

- PV: Theo ông, vai trò và hiệu quả hoạt động của KTNN thời gian qua có đáp ứng được mong đợi?

- TS. Vũ Viết Ngoạn: Được thành lập chưa lâu nhưng hoạt động của KTNN thời gian qua có thể đánh giá là tương đối tốt trên cả 2 phương diện. Thứ nhất đã thẩm tra việc sử dụng Ngân sách nhà nước, báo cáo tại Quốc hội, giúp cho các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra, đánh giá kết quả sử dụng ngân sách. Thứ hai, KTNN đã làm tốt vai trò trực tiếp kiểm toán các cơ quan, đơn vị đặc biệt là các Tổng Công ty, các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước, hạn chế thất thoát ngân sách. 

Tuy nhiên, trước thực trạng những sai phạm, khiếm khuyết, thất thoát ngân sách nhà nước còn rất nhiều thì việc nâng cao chất lượng kiểm toán là rất cần thiết. Đặc biệt thông qua kết quả kiểm toán, KTNN cần chú trọng đến việc đề xuất các kiến nghị, giải pháp để thay đổi khuôn khổ các chính sách, pháp luật cho phù hợp.

- Nhiều ĐBQH kiến nghị cần xem KTNN là một chế định độc lập, do Quốc hội thành lập và chỉ hoạt động theo pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này.

- Tôi rất tán thành với quan điểm này. Theo tôi, cần xem KTNN là một chế định độc lập đủ chức năng, quyền hạn để giúp Quốc hội và người dân giám sát tài chính quốc gia. Chỉ  có một cơ quan kiểm toán độc lập mới có thể đi sâu, đi sát và đánh giá một cách khách quan hiệu quả của việc sử dụng ngân sách. Ở hầu hết các quốc gia, ngân sách đều do Quốc hội quyết định phân bổ, Chính phủ là cơ quan hành pháp thực thi việc chi tiêu. Do đó, để đảm bảo tính khách quan nhất giữa cơ quan hành pháp và lập pháp thì đòi hỏi phải có một chế định độc lập hoàn toàn, chỉ hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nào. 

- Vậy người đứng đầu cơ quan đó, tức Tổng kiểm toán nhà nước, theo ông cần được bầu và hoạt động theo mô hình nào?

- Hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình. Ở nước ta, theo tôi, trong một giới hạn nhất định có thể chấp nhận được mô hình Thủ tướng giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn chức danh Tổng KTNN. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan chúng ta phải xem xét yếu tố Quốc hội lựa chọn giới thiệu và Chủ tịch nước là người phê chuẩn chức danh này.

- Cảm ơn ông!